Tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại
Việt Nam chịu các tác động ít nhất
Chia sẻ tại một hội thảo thường niên mà HSBC Việt Nam tổ chức cho các khách hàng DN của mình mới đây, ông Noelan Arbis - chuyên gia kinh tế phụ trách Khối Đông Nam Á, Khối Nghiên cứu Kinh tế Tập đoàn HSBC cho rằng, ngay cả khi tồn tại những căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc thì Việt Nam vẫn có cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu.
Nhiều lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại |
Chiến tranh thương mại có thể dẫn tới sự phân tách về xu hướng thương mại giữa các nhóm quốc gia khác nhau, trong đó có những quốc gia sẽ tiếp tục giao dịch thương mại với nhau và cũng có khả năng ngừng giao dịch hoặc giao dịch giảm đi. Nhưng ông Noelan Arbis cho biết: “Trong các kịch bản giả định mà chúng tôi đưa ra, Việt Nam đều sẽ xuất khẩu tốt hơn. Tất nhiên nếu chiến tranh thương mại kéo dài, đi kèm với đó là những rủi ro lớn ở cấp độ toàn cầu khiến thương mại chung giảm đi thì các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng”.
Với những diễn biến nền kinh tế thời gian vừa qua, ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, nếu nhìn lại tất cả những bất ổn của kinh tế toàn cầu diễn ra trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra và tác động tới các nền kinh tế trong khu vực thì có thể thấy Việt Nam là một trong số ít các quốc gia “may mắn” khi chỉ chịu các tác động ít nhất.
“Nếu chúng ta đặt Việt Nam so với các thị trường chịu nhiều biến động từ Indonesia tới Ấn Độ hay Trung Quốc... thì thấy Việt Nam rất may mắn có được sự ổn định. Những biến động mà Việt Nam đã trải qua trong thời gian vừa qua rất là ít, nhỏ và nằm trong ngưỡng chấp nhận được cho DN”, ông Hải nói.
Cũng theo các chuyên gia của HSBC, trong bối cảnh thế giới bất ổn và đã có nhiều nền kinh tế ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP thực giảm hoặc được dự báo sẽ giảm thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 9 tháng đầu năm vẫn đạt, thậm chí cao hơn kỳ vọng đặt ra.
“Việt Nam là một trong số ít những quốc gia mà tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục đi lên, và theo một dự báo mới đây, Việt Nam sẽ là một trong sáu nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới trong vòng một thập kỷ tới. Điều này cũng rất phù hợp với những cam kết về tự do hóa thương mại mà Việt Nam đang theo đuổi”, chuyên gia Noelan Arbis thông tin.
Những yếu tố chính tạo ra động lực tăng trưởng cho Việt Nam đến từ đóng góp ngày càng tăng của ngành sản xuất chế biến chế tạo, ngành dịch vụ (đặc biệt là lĩnh vực bán buôn bán lẻ, vận tải, thực phẩm, du lịch và lưu trú).
Dịch chuyển đầu tư, Việt Nam có thể tận dụng?
Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo này, chiến tranh thương mại cũng có thể làm ra tăng nhanh hơn xu hướng chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc vốn đã diễn ra trong những năm gần đây.
Ông Phạm Hồng Hải thông tin, khi nói chuyện với các khách hàng của HSBC thì rất nhiều DN FDI đang đầu tư tại Trung Quốc hiện nay đã có kế hoạch chuyển dịch vào Việt Nam. Tất nhiên đối với các DN này thì không phải sự chuyển dịch ấy qua một đêm là xong ngay được mà cần một thời gian dài.
Còn theo bà Hương Vũ - Phó tổng giám đốc phụ trách khối Dịch vụ tư vấn thuế E&Y Việt Nam, vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta phải thu hút và đón nhận được dòng dịch chuyển dịch đầu tư ấy.
“Hôm thứ bảy (6/10) vừa rồi, tôi có nhận được một cuộc điện thoại từ đại diện một tập đoàn máy tính rất lớn của Đài Loan. Đây là DN mà năm 2008 đã có xin một mảnh đất rất lớn ở Vĩnh Phúc để đầu tư nhưng sau đó vì nhiều lý do nên họ đã chuyển sang Trung Quốc”, bà Hương Vũ kể.
Qua trao đổi ông này cho biết, hiện lại muốn chuyển đến Việt Nam và nguyên nhân thật sự là vì cuộc chiến thương mại hiện nay. Ông này cho biết hàng tháng xuất khẩu đi nhiều triệu sản phẩm tới Mỹ với số thuế lên đến nhiều triệu USD. Vì thế DN này đang muốn sẽ lại chuyển sang Việt Nam và có thể tiếp tục chọn Vĩnh Phúc.
Kể lại câu chuyện trên bà Hương đặt câu hỏi: Vấn đề bây giờ là làm thế nào Việt Nam xử lý nhanh được những trường hợp như thế, nhất là đặt trong bối cảnh các NĐT cũng đang nhìn tới các thị trường khác như Malaysia hay Indonesia?
Theo ông Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, từ trước khi xảy ra chiến tranh thương mại thì đã có xu hướng dịch chuyển này. Khi cuộc chiến này nổ ra, nhận định chung là xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sẽ gia tăng và đây là một thời cơ mới mà Việt Nam cần tận dụng. “Vấn đề đặt ra là liệu Việt Nam có thể tận dụng được không. Điều này đòi hỏi ở cả chính sách của Chính phủ cũng như khả năng và thích ứng của các DN chúng ta”, ông Ngoạn nói.