Tăng cường kết nối sản phẩm làng nghề
Làng nghề có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn. Kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 5.407 làng nghề đang hoạt động, trong đó, số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí hiện nay là 1.748, thu hút khoảng 10 triệu lao động.
Làng nghề tạo việc làm và góp phần ổn định mưu sinh cho phần lớn cư dân nông thôn |
Có nhiều làng có lịch sử dài lâu từ 500 đến 1.000, trở thành những làng nghề tiêu biểu, đậm đà giá trị văn hóa truyền thống, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng…
Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, làng nghề tạo việc làm và góp phần ổn định mưu sinh cho phần lớn cư dân nông thôn. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề thường cao hơn lao động nông nghiệp từ 2 đến 3 lần.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, làng nghề ở nước ta còn tồn tại nhiều hạn chế đó là chất lượng sản phẩm, hàng hóa của làng nghề còn thấp; thị trường chậm được mở rộng, chưa nghiên cứu sâu nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: “Với thị trường trong nước, làng nghề cũng chưa vươn tới nhiều vùng; với thị trường nước ngoài thì việc tiếp thị còn kém; chưa gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên, phụ liệu, đến sản xuất và tiêu thụ. Đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề chưa được quan tâm bồi dưỡng, phát huy đúng mức. Bên cạnh đó, khoa học, công nghệ chưa được ứng dụng nhiều vào làng nghề, tình trạng ô nhiễm tại làng nghề vẫn chưa được xử lý có hiệu quả, việc liên kết giữa các cơ sở, giữa các làng nghề còn rất nhiều hạn chế…”.
Một trong những giải pháp quan trọng góp phần khắc phục các hạn chế của làng nghề được các cơ quan quản lý nhà nước ưu tiên thực hiện đó là việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm giúp cho các DN, làng nghề mở rộng, phát triển, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và có giá trị cao bao gồm cả thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và các cơ quan chức năng tổ chức Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2017 - Craftviet 2017. Theo ông Đào Văn Hồ, đây là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2017 nhằm thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm làng nghề.
Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2017 sẽ diễn ra từ 9 - 13/11 tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Hội chợ dự kiến có khoảng 250 gian hàng đến từ 24 tỉnh, thành phố trên cả nước, trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, đặc sắc của các địa phương như: gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng, dệt thổ cẩm, tranh Đông Hồ…
Trong khuôn khổ hội chợ, có sự kiện Hội thảo “Phát triển du lịch làng nghề Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”, hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã và làng nghề, không gian danh trà Việt Nam…