Tăng cường xúc tiến thương mại Việt Nam-Thái Lan
Xúc tiến thương mại qua hội chợ, triển lãm: Hiệu quả tới đâu? | |
Cần bỏ tư duy XTTM dàn trải | |
Thái Lan xúc tiến thương mại tại Tiểu vùng sông Mekong |
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của hơn 50 doanh nghiệp hai nước thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như công nghiệp ô tô, chế biến thực phẩm và đồ uống, nông nghiệp, bất động sản…
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Doãn Thị Thu Thủy cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Thái Lan trong những năm qua đạt trên 10 tỷ USD, trong đó tính riêng 6 tháng đầu năm 2016 đạt 5,7 tỷ USD. Lũy kế vốn đầu tư trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam đạt mốc 9,1 tỷ USD, xếp thứ 10 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam.
“Thái Lan đang là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong khối ASEAN”, bà Doãn Thị Thu Thủy nói.
Ông Nguyễn Thành Hải, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cũng cho rằng, để đạt mục tiêu thương mại song phương giữa hai nước đạt 20 tỷ USD vào năm 2020 thì “ngọn đuốc” của sự hợp tác cần phải được thông qua từ cấp Chính phủ đến khu vực tư nhân của cả hai nước Việt Nam, Thái Lan.
Về tình hình hợp tác cũng như xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam, ông Siwat Luangsomboon, Trưởng phòng Nghiên cứu của Ngân hàng Kasikorn cho biết, quy mô vốn bình quân một dự án của Thái Lan khoảng 18,4 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là khoảng 14 triệu USD/dự án.
“Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan tập trung vào các ngành điện tử, may mặc, chế biến thực phẩm, xây dựng và bán lẻ. Với định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam, tôi tin rằng các doanh nghiệp Thái Lan sẽ có thêm nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Siwat Luangsomboon cho hay.
Đại diện Hiệp hội kinh doanh Thái Lan-Việt Nam, ông Sanan Angubolkul cho rằng rằng sự gia tăng nhanh chóng các doanh nghiệp Thái tại Việt Nam đã hình thành một môi trường hợp tác đôi bên cùng có lợi (win-win), đặc biệt hướng tới phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Các DNNVV Việt Nam đã và đang được tạo cơ hội tiếp xúc và làm việc trực tiếp với các DNNVV của Thái Lan nhằm trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia đóng góp tích cực của đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên (Việt Nam), Phòng Thương mại Thái Lan, Ủy ban Thương mại Thái Lan và Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan.
Các diễn giả đã đưa ra nhiều thông tin hữu ích về vai trò của các ban, ngành trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, và cách tận dụng tối đa ưu thế của Việt Nam khi có nguồn lao động giá rẻ, cơ sở hạ tầng đảm bảo, và quan trọng là các hiệp định thương mại đã và đang trong quá trình ký kết, đàm phán.