Tăng khả năng ứng phó với biến động thị trường
Dự phòng rủi ro: Thừa không được, thiếu không xong | |
Điều hành tỷ giá: Linh hoạt, chủ động ứng phó với biến động thị trường | |
VAMC phải trích lập DPRR cho khoản nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường |
Ông Nguyễn Đình Tùng |
Trong thời gian qua, không ít NH do trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) nhiều, đã ảnh hưởng không ít đến lợi nhuận. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, chính điều này lại “cứu” lợi nhuận NH. Vậy, bản chất sâu xa của việc này thế nào?
Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi nhanh với Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng về vấn đề này.
Thưa ông, việc NH trích lập DPRR nhiều trong thời gian qua có đáng quan ngại?
Đúng là thời gian qua có hiện tượng tăng đột biến chi phí trích lập DPRR. Thường việc các NH phải trích lập DPRR khi chất lượng tín dụng xấu. Chất lượng tín dụng càng xấu thì việc trích lập đương nhiên phải càng nhiều. Nhưng trong hai năm trở lại đây, nhất là năm 2015 việc các NH tăng trích lập DPRR, theo tôi chúng ta phải phân tích ở nhiều khía cạnh khác nhau đối với vấn đề này.
Thứ nhất là trích lập DPRR gia tăng do thay đổi chính sách chứ không phải đến từ chất lượng tín dụng đơn thuần. Bởi theo quy định phân loại nợ mới với nhiều tiêu chí chặt chẽ, các NH phải cẩn trọng hơn, phải trích đúng, đủ theo mức độ rủi ro của khoản nợ, để đảm bảo nếu khoản nợ mất khả năng thu hồi vốn thì NH đó không phải bù đắp chi phí trích lập DPRR, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của NH.
Do đó, trong thời kỳ thay đổi chính sách tiền tệ giai đoạn 2014 - 2015 việc tăng DPRR là dĩ nhiên, thậm chí là điều đáng mừng do NH chấp nhận hy sinh lợi nhuận trước mắt đảm bảo hoạt động bền vững lâu dài. Một mặt phản ánh thực chất chất lượng nợ của NH đồng thời tăng khả năng đối phó rủi ro trong tương lai của các NH.
Thứ hai, trích lập DPRR của NH giai đoạn này là các NH phải trích thêm chi phí cho danh mục nợ xấu bán cho VAMC. Năm trước bán thì năm sau NHTM phải trích. NH trích đều trong 5 năm, mỗi năm 20% (nếu như khoản nợ xấu bán cho VAMC không thu được).
Nhưng theo báo cáo tài chính quý I/2016 khá nhiều NH tiếp tục tăng chi phí trích lập DPRR?
Như tôi nói ở trên, từ nay đến 5 năm nữa, chi phí trích lập DPRR của các NH có thể ảnh hưởng bởi danh mục bán nợ xấu cho VAMC. Những NH bán nợ nhiều cho VAMC dĩ nhiên phải trích nhiều. Nên không có nghĩa là chất lượng tín dụng năm nay của các NH xấu đi, mà do tồn đọng của năm trước. Từ đầu năm đến nay cũng đã có NH được thoái chi phí DPRR do tích cực giải quyết nợ xấu.
Đây là tín hiệu đáng mừng đối với thị trường. Còn về sau này, khi chính sách thay đổi rồi nếu các NH gia tăng chi phí DPRR có nghĩa là chất lượng khoản nợ có vấn đề tăng lên.
Thưa ông, liệu cắt giảm chi phí trích lập DPRR sẽ giúp các NH có điều kiện giảm lãi suất, mở rộng tăng trưởng tín dụng?
Đó cũng là một điều kiện. Khi nợ xấu được giải quyết, chi phí trích lập DPRR của NH giảm, thậm chí những khoản dự phòng trước đây sẽ được thoái lại trở thành thu nhập bất thường giúp NH có thêm khả năng giảm lãi suất mà không thay đổi mục tiêu đảm bảo lợi nhuận tối thiểu cho các cổ đông.
Đối với vấn đề tăng trưởng tín dụng, kết thúc tháng 4/2016, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng khoảng 3,7%. Nếu chia đều các quý trong năm để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 18-20% thì mỗi quý phải tăng trưởng 5%. Nhưng nhìn ở góc độ khác, tăng trưởng tín dụng theo chu kỳ và thường tăng mạnh từ tháng 6 trở đi. Do đó, mức tăng trưởng 3,7% trong 4 tháng đầu năm chưa thể nói là cao hay thấp.
Còn nếu nhận định tín dụng có thể bật nhanh hơn trong thời gian tới thì tôi chưa thể có câu trả lời chính xác ngay được. Bởi chưa xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng đột biến. Nhất là đối với thị trường thì không phải lúc nào mọi diễn biến theo như dự định mà có thể thay đổi bất ngờ.
Xin cảm ơn ông!