VAMC phải trích lập DPRR cho khoản nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường
Ảnh minh họa |
Theo đó, Dự thảo thông tư bổ sung Điều 47a quy định về trích lập dự phòng đối với khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường. Cụ thể, VAMC phải thực hiện trích lập số tiền dự phòng đối với từng khoản nợ xấu được mua theo giá thị trường (Ri) theo công thức sau: R = (A – C) x r
Trong đó: A là giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ tại thời điểm 15 tháng 12 hằng năm; C là giá trị khấu trừ tài sản bảo đảm của khoản nợ; r là tỷ lệ trích lập dự phòng không thấp hơn 5%.
Trường hợp C > A thì R được tính bằng 0.
Hằng năm, trước ngày 15/12 VAMC phải tiến hành định giá lại tài sản bảo đảm của từng khoản nợ, xác định số tiền phải trích lập dự phòng của năm đối với từng khoản nợ theo quy định trên và thực hiện: Trường hợp số tiền dự phòng phải trích của năm trích lập nhỏ hơn số dư dự phòng đã trích lập, VAMC được hoàn nhập phần chênh lệch thừa; Trường hợp số tiền dự phòng phải trích của năm trích lập lớn hơn số dư dự phòng đã trích lập, VAMC phải trích bổ sung phần chênh lệch thiếu.
Tài sản bảo đảm để khấu trừ khi tính số tiền dự phòng cụ thể (R) như quy định trên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: VAMC có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm và theo quy định của pháp luật khi khách hàng vay không thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết; Tài sản bảo đảm phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; Tài sản bảo đảm có giá trị từ 200 tỷ đồng trở lên phải được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức có chức năng thẩm định giá không đủ khả năng định giá hoặc không có tổ chức có chức năng thẩm định giá định giá các tài sản bảo đảm này, thì VAMC thực hiện định giá theo quy định nội bộ của Công ty Quản lý tài sản.
Trường hợp tài sản bảo đảm không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định nêu trên giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm đó phải coi bằng không.
Giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm được xác định bằng tích số giữa giá trị của tài sản bảo đảm với tỷ lệ khấu trừ đối với từng loại tài sản bảo đảm quy định. VAMC xác định tỷ lệ khấu trừ đối với từng loại tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá khả năng thu hồi khi xử lý tài sản bảo đảm đó nhưng không được vượt quá tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với từng loại tài sản bảo đảm theo quy định.
Dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể về cách xác định giá trị của từng loại tài sản bảo cũng như tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với tài sản bảo đảm.
Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng bổ sung quy định về sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường. Theo đó, VAMC được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong các trường hợp sau: Khoản nợ được VAMC bán với giá trị thấp hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ tại thời điểm xử lý rủi ro; hoặc khách hàng vay là tổ chức đã giải thể, phá sản; cá nhân chết, mất tích.