Tăng sức bật cho thanh toán không dùng tiền mặt
Thanh toán không dùng tiền mặt: Khi tương lai được kéo lại gần | |
Công nghệ “quét và chạm”: Trải nghiệm tuyệt vời cho phương thức thanh toán mới | |
Thanh toán di động không còn của riêng ai |
100% trường học, bệnh viện, công ty điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường... ở đô thị phải phối hợp với ngân hàng để thu học phí, viện phí, tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Đây là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM được nêu ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Chính phủ cũng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, DN TTKDTM bằng nhiều phương tiện khác nhau…
Hết quý III/2018, các đơn vị đã lắp đặt 18173 cây ATM và 294.503 máy POS/EFTPOS/EDC; phát hành 147,3 triệu thẻ |
Có thể thấy, Chính phủ rất quan tâm và có những giải pháp quyết liệt, chiến lược để thúc đẩy TTKDTM thật sự có những bước chuyển biến mạnh mẽ tại Việt Nam. Các phương tiện, dịch vụ thanh toán điện tử tại Việt Nam gần đây đang có xu hướng phát triển mạnh và đa dạng hơn. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện và phát triển các phương thức thanh toán truyền thống như uỷ nhiệm thu, uỷ nhiệm chi… các NHTM đã và đang chủ động phát triển các phương tiện, dịch vụ TTKDTM ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, gia tăng tiện ích và tiện lợi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Giới chuyên gia thừa nhận, xu hướng sử dụng điện thoại di động làm phương tiện giao dịch thanh toán trong những năm gần đây đã và đang hỗ trợ các ngân hàng mở rộng mạng lưới tiếp cận tới khách hàng, cho phép ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, lĩnh vực thanh toán có sự tham gia nhiều hơn của các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải ngân hàng. Thông tin từ Vụ Thanh toán (NHNN) cho hay, hiện có 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet, 41 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động, 23/26 tổ chức không phải là ngân hàng được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ ví điện tử, số lượng giao dịch thanh toán qua các kênh này cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ.
Các nhà băng hiện đang rất tích cực triển khai các giải pháp TTKDTM một cách đồng bộ và tổng thể. Trong đó, tập trung vào việc triển khai và ứng dụng công nghệ ngân hàng số một cách tổng thể nhằm tạo ra hệ sinh thái đầy đủ và trải nghiệm cho khách hàng.
“Công nghệ mới đang thay đổi cách người tiêu dùng muốn trả tiền”, một chuyên gia chia sẻ. Bởi tiện lợi và tốc độ trở thành kỳ vọng cơ bản của người tiêu dùng đối với trải nghiệm thanh toán của họ, vì họ mong đợi có thể trả tiền cho bất cứ thứ gì, bất cứ lúc nào hay bất cứ ở đâu. Họ có thể đặt hàng trước và thanh toán tại các nhà hàng ăn ngon; yêu cầu một chuyến đi chỉ trong vài phút từ một chiếc ô tô gần đó; mua một món quà trực tuyến được chuyển đến ngay trước cửa nhà chỉ trong vòng 30 phút…
Thanh toán di động được thúc đẩy với các công nghệ như mã QR/tiếp xúc trường gần NFC, số hoá thông tin thẻ (tokenization)… trong đó thanh toán qua QR đang dần trở nên phổ biến. Tại Nghị quyết 02, Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu các NHTM, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR Code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR Code.
Ước tính 16 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. QR Code sẽ được kết hợp với thanh toán điện tử thay vì chỉ dùng để quét ra thông tin về website, số điện thoại, địa chỉ… của DN như trước đây. Nhờ đó, người dùng có thể mua hàng trên website, shopping tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích… mà không cần dùng tiền mặt hay các loại thẻ thanh toán.
Phát triển các hình thức thanh toán trên nền tảng di động như thanh toán QR Code sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam. Đầu tháng 10/2018, NHNN đã ban hành Quyết định số 1928/QĐ-NHNN quy định về tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam”.
Ở góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Quang Hiền Huy - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành ngành hàng thiết bị di động của Công ty Điện tử Samsung Vina cho hay: Theo nghiên cứu của McKinsey Global Institue, việc tích hợp kỹ thuật số vào hệ thống tài chính có thể tăng 6%, hoặc 3.700 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu vào năm 2025. Việt Nam là một trong 25 quốc gia mà Ngân hàng Thế giới ưu tiên trong nỗ lực giúp nhiều người tiếp cận đến hệ thống tài chính chính thức, bao gồm các dịch vụ tiết kiệm, thanh toán, tín dụng và bảo hiểm.
“Với những yêu cầu đặt ra từ phía Chính phủ và các giải pháp đang và sẽ được triển khai sắp tới từ phía NHNN cũng như các bộ, ngành liên quan, chắc chắn năm 2019 sẽ có những chuyển biến rõ nét trong TTKDTM”, lãnh đạo một NHTM chia sẻ.