Tăng trưởng tiền lương thực tế tại Anh có thể âm vì Brexit
Kinh tế Anh tăng trưởng 0,5% dù bị tác động của Brexit | |
Các ngân hàng lên kế hoạch rời khỏi Anh do lo ngại Brexit | |
Hậu Brexit, giảm cơ hội với lao động nước ngoài |
Viện phát triển nguồn nhân lực Chartered (Chartered Institute of Personnel Development - CIPD) vừa cho biết, nhiều nhà tuyển dụng dự kiến sẽ đẩy mạnh thuê nhân công thay vì cắt giảm trong quý 4 năm nay, nhưng tuyển dụng ròng chậm lại xuống mức +22 trong cuộc khảo sát mới nhất từ mức +27 của quý trước đó.
Tuy nhiên, cũng theo CIPD, tiền lương thực tế có thể giảm trong năm tới bởi sử dụng lao động được dự kiến sẽ chỉ tăng lương cơ bản 1,1% trong quý thứ hai liên tiếp bất chấp lạm phát đang gia tăng.
"Báo cáo cho thấy, nền kinh tế Anh bắt đầu phải đối mặt với một số cơn gió ngược sau quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu", Gerwyn Davies - một nhà phân tích thị trường lao động tại CIPD cho biết. "Kỳ vọng tiêu dùng yếu, và khi lạm phát tăng chúng ta có thể chứng kiến một thời kỳ tăng trưởng lương thực tế thấp hoặc thậm chí là âm ".
Lạm phát hàng năm đã tăng lên 1,0% trong tháng 9 và dự kiến sẽ tăng lên 3,0% vào cuối năm tới, phản ánh sự sụt giảm giá trị của đồng bảng Anh kể từ khi cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu hồi cuối tháng 6.
Cho đến nay, thị trường lao động của Anh và rộng hơn là nền kinh tế đã vượt qua cú sốc ban đầu của kết quả trưng cầu dân ý.
Một dấu hiệu mới nhất về niềm tin của các hộ gia đình, Tổ chức thẻ tín dụng Visa Anh cho biết, chỉ số chi tiêu tiêu dùng đã tăng 2,5% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng mạnh nhất trong 6 tháng.
Nhưng các nhà kinh tế vẫn dự báo về một sự suy giảm trong năm tới khi nước Anh khởi động các cuộc đàm phán để chính thức rời khỏi EU. Thủ tướng Anh Theresa May cho biết sẽ có cách tiếp cận cứng rắn với khối và điều đó dấy lên lo ngại về khả năng thâm nhập vào thị trường EU của các nhà xuất khẩu của nước này.
Một khảo sát khác được công bố hôm nay của Công ty dữ liệu tài chính Markit cho thấy, niềm tin kinh doanh đã giảm mạnh trong tháng 10 xuống thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Báo cáo CIPD cũng cho thấy, người sử dụng lao động đang lo ngại về khả năng tuyển dụng lao động từ EU, dẫn đến chỉ có 6 phần trăm ủng hộ một cái gọi là Brexit cứng đi kèm với việc kiểm soát chặt di chuyển tự do của lao động từ khối.
"Trong nhiều năm, Vương quốc Anh là một trong những quốc gia hấp dẫn nhất cho người lao động của EU, và cũng được được hưởng lợi từ nguồn lao động dồi dào và chất lượng của châu Âu", ông John L. Marshall, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Adecco - đơn vị đồng thực hiện khảo sát cho biết. Bởi vậy, ông cho biết, quyết định Brexit là "một lời cảnh tỉnh" cho các nhà tuyển dụng phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo.
Trong một thông tin liên quan, trang web bất động sản Rightmove hôm nay cho biết, giá nhà tại Anh và xứ Wales đã giảm 1,1% trong tháng 11, mức giảm nhẹ hơn thông thường đối với thời gian này của năm và đó cũng là dấu hiệu cho thấy sự cố Brexit không có tác động lớn đến thị trường nhà ở.