Sự thận trọng TTTD là cần thiết
Tín dụng và tăng trưởng kinh tế | |
Tăng trưởng tín dụng đột phá | |
Nắn dòng tín dụng vào kênh hiệu quả |
Tính đến hết ngày 19/8, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,78% so với cuối năm 2015, không bao gồm trái phiếu. Điều đó cho thấy một lượng vốn lớn của hệ thống NH đang chảy vào nền kinh tế, bất chấp những khó khăn nội tại và khách quan từ thế giới. Đồng thời, kết quả trên cũng cho thấy dòng chảy vốn đã vượt những “ghềnh thác” bất lợi của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, cá chết bất thường, những nhân tố tiêu cực ảnh hưởng không nhỏ đến cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…
Để đạt mục tiêu GDP ở mức 6,7% ngoài tín dụng của hệ thống NH còn có vốn từ ngân sách, vốn FDI, vốn tự có của DN |
Có được kết quả trên, theo chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tiến Đông, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã yêu cầu các TCTD rà soát các khoản cho vay, gia hạn nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi trong thẩm quyền của mình. Theo đó, các NH đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, các ngành chức năng rà soát lại những khách hàng gặp khó khăn ở các tỉnh xảy ra thiên tai, nếu đủ điều kiện báo cáo NHNN, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét xoá nợ, khoanh nợ theo quy định…
Ở bình diện rộng hơn, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN cũng như tích cực triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ, NHNN đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức hơn 540 cuộc đối thoại. Qua đó, ngành NH kịp thời nắm bắt khó khăn thực tế tại các DN, để từ đó có giải pháp hỗ trợ mang tính đồng bộ. Con số trên 800 nghìn tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với tháng 6/2015, mà NH cam kết cho vay qua các cuộc đối thoại trên, cùng với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho trên 50 nghìn DN, cho thấy tính hiệu quả của mô hình đối thoại này. Và nhờ triển khai đồng bộ chính sách tín dụng đã giúp dòng vốn chảy vào nền kinh tế suôn sẻ, thậm chí có phần chảy nhanh hơn.
Tuy nhiên, tín dụng tăng mạnh cũng đang là vấn đề mà nhiều chuyên gia băn khoăn. Có vị đặt vấn đề: Tín dụng thường tăng mạnh vào thời điểm cuối năm và với tốc độ tăng như hiện nay có thể sẽ vượt kế hoạch đặt ra từ đầu năm là 18-20%, đồng nghĩa gia tăng áp lực lạm phát. Vậy, câu hỏi quan trọng nhất lúc này là liệu NHNN có nới room tăng trưởng tín dụng đã giao cho các NHTM, hay trọng tâm hơn nữa là quan điểm của NHNN thế nào với khả năng tín dụng tăng vượt kế hoạch từ đầu năm?
Trên thực tế, nhiều NH đang sử dụng gần hết room tăng trưởng tín dụng. Như tại MB, Tổng giám đốc Lê Công cho biết, đến thời điểm này tín dụng NH tăng 16% mà chỉ tiêu được giao là 20%. Vì vậy, ông Công kiến nghị NHNN cho phép MB nới room. Ngoài MB một số NH cũng đã đề xuất cơ quan quản lý được phép nới room tín dụng, nhưng hiện NHNN vẫn chưa có thông báo chính thức về việc này.
Về nới room tín dụng, theo một chuyên gia thì trước tiên cần phải nhìn vào một số chỉ tiêu của NHTM như: tiền của NH đó chảy vào những lĩnh vực nào, nợ xấu đang được xử lý ra sao… Bởi theo vị này, nợ xấu các NH có giảm nhờ bán nợ cho VAMC, nhưng các NH vẫn là người phải đi thu hồi nợ, trong khi xử lý nợ xấu cả ở VAMC, NH vẫn gặp nhiều thách thức. Nên khi nới chỉ tiêu tín dụng thì cần quan tâm nợ xấu cả trên sổ sách cũng như nợ bán cho VAMC.
Về việc nới room, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mức tăng trưởng tín dụng hiện tại là phù hợp với chỉ tiêu định hướng của NHNN. Những tháng còn lại của năm 2016, NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD để đảm bảo an toàn, hiệu quả và tín dụng sẽ chỉ tăng ở mức 18-20%. Nhất là, một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn luôn trong tầm ngắm của nhà điều hành…
Để đạt mục tiêu GDP ở mức 6,7%, vốn đầu tư tăng trưởng kinh tế có thể đến từ nhiều nguồn, ngoài tín dụng của hệ thống NH còn có vốn từ ngân sách, vốn FDI, vốn tự có của DN… Theo đó trong thời vừa gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm khối lượng giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt khoảng 81.800 tỷ đồng, bằng 32,6% kế hoạch. Trước yêu cầu bức thiết về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách, tại cuộc họp gần đây, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, có giải pháp đột phá để giải ngân hết số vốn kế hoạch gồm vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA.
“Với tất cả các nguồn vốn này, cùng với quyết tâm thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các bộ, ngành sẽ hỗ trợ Chính phủ trong điều hành kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7%”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ quan điểm.
Sự thận trọng của NHNN đối với tăng trưởng tín dụng cũng được một số chuyên gia đánh giá là cần thiết. Vì chỉ tiêu tăng trưởng GDP không bắt buộc phải đạt bằng bất cứ giá nào. Quan điểm chung hiện nay là tăng trưởng chạy theo số học sẽ không thể chất lượng bằng tăng trưởng đi vào chiều sâu. “Nếu vẫn cố gắng chạy theo số lượng, cuối cùng chúng ta phải trả giá. Nền kinh tế phải trả giá cho tăng trưởng không chất lượng, hệ thống NH trả giá tín dụng kém chất lượng. Với cái giá phải trả lớn như vậy, theo tôi, không nên tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá”, một chuyên gia khuyến nghị.