Tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Nợ phải trả hơn 1,5 triệu tỷ đồng
TIN LIÊN QUAN | |
Ai chịu trách nhiệm khoản lỗ 17.000 tỷ đồng của DNNN? | |
Dự án phân bón thua lỗ: Tính tới thoái vốn | |
Tiếp tục cơ cấu lại toàn diện doanh nghiệp Nhà nước |
Theo đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước là 3.015.478 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2016. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 39% tổng tài sản; trong đó, 92% tổng tài sản (2.776.384 tỷ đồng) là của khối các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, 8% còn lại là tài sản của các công ty TNHH MTV.
Báo cáo cho biết tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 của 526 doanh nghiệp đều có xu hướng tăng lên. Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước là 1.371.561 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2016; tổng doanh thu đạt 1.605.050 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận trước thuế đạt 167.579 tỷ đồng, tăng 26%.
Tính riêng 83 doanh nghiệp nhà nước, gồm 7 tập đoàn kinh tế, 58 tổng công ty và 18 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, so với năm 2016, tổng doanh thu của khối tập đoàn tăng 12% so với thực hiện năm 2016, chiếm 65,3% tổng doanh thu của các doanh nghiệp toàn quốc; của khối tổng công ty giảm 1% và chiếm 22,1%; của các công ty công ty mẹ - con tăng 3%.
Lợi nhuận kế toán trước thuế của các tập đoàn tăng 44% so với thực hiện năm 2016, của khối tổng công ty nhà nước giảm 7% và của khối công ty mẹ - con tăng 8%. Nhưng báo cáo cho biết hệ số vòng quay tổng tài sản (Doanh thu thuần/Tổng tài sản) của các công ty mẹ năm 2017 là 0,38 lần (<1), cho thấy việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thực sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, 83 tập đoàn, tổng công ty này có tổng số nợ phải trả khá cao, lên tới 1.530.667 tỷ đồng, tăng 1,3% so với thực hiện năm 2016, chiếm 56,5% tổng nguồn vốn của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu bình quân năm 2017 là 1,25 lần, trong đó có 20 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần.
Báo cáo cũng chỉ rõ tên doanh nghiệp, như Tổng công ty XNK tổng hợp Vạn Xuân có nợ/vốn chủ sở hữu là 45,56 lần; Công ty TNHH MTV Duyên Hải là 23,69 lần; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam là 8,07 lần; Tổng công ty Thái Sơn là 9,2 lần…
Báo cáo cho biết 83 tập đoàn, tổng công ty nhà nước này vay nợ của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng tới 486.046 tỷ đồng, tăng 4,3% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, nợ ngắn hạn là 200.632 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 285.414 tỷ đồng.
Có những doanh nghiệp có nợ vay tương đối lớn, như Tập đoàn Dầu khí nợ 146.585 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nợ 132.071 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản nợ 48.648 tỷ đồng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội nợ 43.485 tỷ đồng...
Theo báo cáo, hầu hết các công ty mẹ đều đảm bảo cân đối giữa tổng nợ phải trả với tổng nguồn vốn và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, đảm bảo đủ khả năng thanh toán nợ ngắn hạn bằng tổng tài sản, khả năng thanh toán lãi nợ vay của doanh nghiệp đạt mức tích cực. Dù vậy, chỉ tiêu hệ số khả năng thanh toán tức thời <1 cho thấy hạn chế về khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn bằng tiền và các khoản tương đương tiền.