Tàu cá vỏ thép nằm bờ, bao giờ lại ra khơi?
Nghiên cứu gia hạn nợ, ân hạn cho tàu cá vỏ thép nằm bờ do hư hỏng | |
Vì sao tàu cá vỏ thép của Đà Nẵng nằm bờ? |
Thiệt hại lớn
Nhiều ngư dân trong vụ việc tàu cá vỏ thép tại Bình Định đóng mới theo Nghị định 67, sau khi đóng xong rồi nằm bờ đã nhận được mức đền bù thiệt hại và hỗ trợ quá ít từ phía các nhà đóng tàu.
Nhiều chủ tàu cá vỏ thép rơi vào tình cảnh khốn đốn do tàu nằm bờ |
Họ buộc phải chấp nhận số tiền bồi thường quá thấp so với giá trị thiệt hại do không đủ sức theo đuổi vụ việc, để thời gian tiếp tục mưu sinh nuôi sống gia đình. Một ngư dân có tàu cá vỏ thép sau khi đóng xong bị hư hỏng nằm bờ suốt hơn một năm qua cho hay, từ ngày tàu bị hư hỏng, không ra khơi được, gia đình rơi vào tình cảnh khốn đốn, kiệt quệ vì số tiền thiệt hại hàng tỷ đồng.
Cùng với đó, thời gian công sức tiêu tốn biết bao nhiêu, hết cuộc họp này đến cuộc họp khác vẫn không giải quyết được những tồn tại từ phía DN đóng tàu gây ra. Giờ không còn đủ sức đi khởi kiện nên đành chấp nhận số tiền đền bù bèo bọt.
Có thể nói, câu chuyện tàu vỏ thép được đóng mới xong từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ rồi nằm bờ, không đưa vào khai thác được khiến dư luận cả nước quan tâm trong suốt thời gian vừa qua. Ngay sau đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vào cuộc, song đến nay các bên liên quan vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm để đưa số tàu này trở lại vươn khơi, bám biển, giúp ngư dân làm kinh tế lấy tiền trả nợ ngân hàng.
Trở lại câu chuyện này, sau khi xuất xưởng, tất cả 19 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Bình Định đều nằm bờ do hư hỏng trầm trọng. Ngay sau đó, số tàu cá vỏ thép nói trên đưa lên đà nhằm sửa chữa, song đến nay vẫn chưa ra khơi. Hơn 1 năm qua, 19 chủ tàu rơi vào tình cảnh khốn đốn, không đi đánh bắt được, phần khác nợ ngân hàng đến hạn phải trả…
Sau sự cố này, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương thống kê chính xác con số thiệt hại của 19 chủ tàu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định đã chính thức có văn bản yêu cầu 2 đơn vị đóng tàu là Công ty Đại Nguyên Dương và Công ty Nam Triệu đền bù cho ngư dân khoản thiệt hại lên đến gần 46 tỷ đồng.
Để thống nhất phương án đền bù thiệt hại, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Bình Định nhiều lần tổ chức các buổi đối thoại giữa các DN đóng tàu và ngư dân có tàu cá vỏ thép 67 mới đóng đã bị hư hỏng nhằm bàn bạc cụ thể mức hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho ngư dân trong thời gian tàu nằm bờ chờ sửa chữa.
Tuy nhiên, tại các buổi làm việc này, cả DN đóng tàu và ngư dân vẫn chưa thống nhất các khoản thiệt hại và số tiền đền bù. Các ngư dân có tàu vỏ thép đóng mới bị nằm bờ yêu cầu Công ty Nam Triệu đền bù và hỗ trợ trên 36,5 tỷ đồng tiền thuê thuyền viên; lãi ngân hàng; thuê tàu lai dắt; chi phí sinh hoạt, đi lại trong thời gian tàu bị hư hỏng, chi phí tàu neo đậu…
Trong khi, đại diện DN này cho rằng, đồng ý đền bù và hỗ trợ cho ngư dân hợp tình, hợp lý, trên cơ sở căn cứ vào hợp đồng. Tuy nhiên, ngư dân kê khai nhiều hạng mục và số tiền yêu cầu đền bù quá lớn.
Còn các ngư dân lý giải, các khoản chi phí trong thời gian tàu cá nằm bờ đều có cơ sở, ngư dân đã thống nhất giảm bớt chi phí các khoản tổn thất do tàu cá không đi khai thác thủy sản được, tiền thuê thuyền viên, thuê phương tiện lai dắt, khoản lợi nhuận… mà ngư dân đã kê khai.
Chưa có hồi kết
Sự việc rơi vào thế giằng co kéo dài suốt một năm qua vẫn chưa giải quyết xong. Do thời gian kéo dài, ngư dân thì phải vừa lo bươn chải kiếm sống, vừa lo tiền trả nợ ngân hàng nên không đủ sức theo đuổi vụ việc, nhiều chủ tàu cá vỏ thép bị hỏng ở Bình Định đành chấp nhận số tiền đền bù thiệt hại bèo bọt từ các DN đóng tàu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, nhiều chủ tàu cá vỏ thép hư hỏng trên địa bàn đã thương lượng xong về việc đền bù, hỗ trợ với 2 DN đóng tàu là Công ty Đại Nguyên Dương và Công ty Nam Triệu. Có 5 chủ tàu ở 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ đồng ý nhận hỗ trợ tổng cộng 881 triệu đồng từ Công ty Đại Nguyên Dương, riêng tiền lãi ngân hàng trong thời gian tàu nằm bờ chờ sửa chữa, 2 bên sẽ tiếp tục thương lượng. Trong khi, 5 chủ tàu này yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương bồi thường thiệt hại tổng cộng hơn 5,3 tỷ đồng.
UBND huyện Hoài Nhơn xác nhận 6 trong tổng số 14 chủ tàu cá vỏ thép trên địa bàn chấp nhận số tiền đền bù từ Công ty Nam Triệu sau buổi làm việc trực tiếp có sự chứng kiến của chính quyền. Theo đó, 2 chủ tàu đồng ý nhận bồi thường 200 triệu đồng/tàu; 1 chủ tàu nhận 238 triệu đồng và 3 chủ tàu nhận bồi thường 218 triệu đồng/tàu. Các bên thống nhất tiền bồi thường sẽ được chuyển trước ngày 4/5/2018.
Ông Phan Lùn, một ngư dân có tàu vỏ thép nằm bờ ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho hay, đành chấp nhận mức đền bù, hỗ trợ hơn 200 triệu đồng từ phía DN đóng tàu. Mặc dù, trước đó đề nghị bồi thường thiệt hại 3 tỷ đồng. Ông Lùn chua chát, giờ khởi kiện ra tòa mất ít nhất vài năm mới xong... Trong khi, gia đình không còn đủ khả năng để lo tiền tạm ứng án phí, đi lại để hầu tòa. Thôi thì đành chấp nhận thua thiệt để lo làm ăn chứ không còn cách nào khác...
Thực tế cho thấy, nhiều ngư dân vay vốn đóng mới tàu cá vỏ thép đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có rủi ro trong công tác đóng tàu. Theo Tổng cục Thủy sản, hiện ngư dân có tàu đóng theo Nghị định 67 đang gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để nắm bắt tình trạng tàu cá nằm bờ. Đặc biệt, 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam; tìm hiểu rõ nguyên nhân, tâm tư nguyện vọng của ngư dân để có những giải pháp kịp thời.
Để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, khai thác hải sản có hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định và góp phần tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần có những giải pháp căn cơ hơn đến hỗ trợ ngư dân đưa tàu trở lại biển. Có như thế mới mong giải quyết được bài toán khó mà ngư dân đang đối mặt.