Tàu “sáu bảy” hoạt động hiệu quả
Linh hoạt đổi nợ cho vay tàu cá | |
Chỉ hỗ trợ lãi suất các khoản vay đóng mới tàu 67 giải ngân đến hết năm 2018 | |
Tàu cá vỏ thép nằm bờ, bao giờ lại ra khơi? |
Hiệu quả từ mỗi chuyến biển
Thời gian qua, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ được đóng mới, nâng cấp bằng vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ tại Bình Định đã, đang hoạt động tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, cũng như đảm bảo trả nợ gốc và lãi tiền vay ngân hàng.
Tại cảng cá Tam Quan, huyện Hoài Nhơn (Bình Định), mới tờ mờ sáng mà khu vực cảng đã oi bức với cái nắng đầu hè. Thế nhưng hoạt động của tàu thuyền tại đây luôn tấp nập. Có tàu cập cảng để đưa sản phẩm bán được lên bờ tiêu thụ. Có tàu thì “ăn nước đá”, nạp dầu, nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho chuyến đi biển mới…
Nhiều tàu cá “sáu bảy” tại Hoài Nhơn (Bình Định) đang hoạt động hiệu quả |
Gặp lão ngư Nguyễn Thành Long, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) ngay tại chân cầu cảng cá Tam Quan, sau một chuyến đi biển dài gần cả tháng, ông hồ hởi chia sẻ những thành quả đã có. Ông cho biết, được sự động viên của chính quyền và sự hỗ trợ của Agribank Hoài Nhơn, nên đã vay trên 400 triệu đồng theo chương trình “sáu bảy” để nâng cấp tàu, tăng công suất lên 550CV. Sau khi đưa tàu vào hoạt động, công việc đánh bắt cá ngừ đại dương gặp nhiều thuận lợi. Mỗi chuyến biển giải quyết việc làm cho 6-7 lao động tham gia đánh bắt trên tàu với thu nhập trên 10 triệu đồng/người/chuyến biển (20-25 ngày). Ông Long khẳng định, thời gian qua, bà con ngư dân tại địa phương sau khi đóng mới hoặc nâng cấp tàu cá có công suất lớn làm ăn “rất ngon”.
Còn ông Bùi Thanh Ninh với 15 năm kinh nghiệm trong hoạt động đánh bắt xa bờ, ở xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn cho hay, hiện sở hữu 11 tàu, trong đội có 16 tàu cá loại đánh bắt xa bờ, được chia thành 4 tổ, đánh bắt liên tục ngoài khơi. Tổ này về, thì có tổ khác ra khơi. Hoạt động đánh bắt trong thời gian qua mang lại hiệu quả cao, không những cho chủ tàu mà còn tạo công ăn việc làm liên tục cho người dân địa phương.
Theo ông Ninh, thời gian qua, ngân hàng tạo nhiều điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn vay. Qua đó, giúp ngư dân thuận lợi hơn trong việc phát triển hoạt động đánh bắt.
Nói về vấn đề này, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, với chủ trương lớn của Chính phủ đối với chương trình đánh bắt xa bờ, tỉnh Bình Định đã hình thành đội tàu có công suất lớn, tham gia đánh bắt xa bờ, với 67 chiếc, có 44 tàu vỏ sắt. Trong số này có nhiều tàu đánh bắt hiệu quả, sau mỗi chuyến biển đều có thừa tiền để trả nợ ngân hàng, cũng như trang trải cuộc sống của các thuyền viên. Tuy nhiên, vẫn có một số tàu nằm bờ do bị hư hỏng, sửa chữa…
UBND tỉnh Bình Định đã quyết liệt chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng phối hợp với các DN đóng tàu tiến hành bồi thường thiệt hại, sớm đưa những tàu nằm bờ đi vào hoạt động.
“Định vị” ngay từ ban đầu
Ông Nguyễn Xuân Tuyên, Phó giám đốc Agribank Bình Định cho hay, chi nhánh cho vay chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn. Trong đó, có cho vay đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ theo chủ trương của Chính phủ. Đến 31/3/2018 chi nhánh ký kết hợp đồng cấp tín dụng cho vay đóng mới tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ theo chủ trương nói trên với 12 chủ tàu. Trong đó, có 6 tàu vỏ thép, 5 tàu vỏ composite và 1 tàu vỏ gỗ. Tổng số tiền cam kết cho vay 163,38 tỷ đồng, đã giải ngân 152,64 tỷ đồng, dư nợ 151,609 tỷ đồng, chưa phát sinh nợ quá hạn.
Theo đánh giá của Agribank Bình Định, bước đầu, bà con ngư dân vay vốn đóng mới tàu cá thông qua chi nhánh đều làm ăn hiệu quả. Người dân ý thức được việc trả nợ và lãi vay, cứ đến hẹn là trả đầy đủ. Để có được kết quả đó, Agribank Bình Định triển khai sâu rộng đến các ngư dân có nhu cầu vay vốn đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ, đầu tư vốn có sự chọn lọc.
Người vay vốn phải “có nghề”, làm ăn bài bản thì đồng vốn vay mới phát huy hiệu quả. Đồng thời, phải có vốn đối ứng. Đây là cái quan trọng để chi nhánh có thể kiểm soát quá trình hoạt động sản xuất và thu hồi vốn trong giai đoạn đầu của hộ ngư dân vay vốn.
Thực tế, trong 12 chiếc tàu cá đóng mới bằng nguồn vốn vay từ chương trình “sáu bảy” tại chi nhánh, đã có 10 tàu đi vào khai thác. Trong đó, có một số hộ bắt đầu chu kỳ trả nợ.
Theo ông Tuyên, điều đáng mừng là hiệu ứng từ chương trình cho vay “sáu bảy” đã lan tỏa tại Bình Định. Nhiều cư dân bỏ vốn để đầu tư tự đóng mới tàu cá hoặc mua ngư cụ phục vụ hoạt động đánh bắt xa bờ. Khi thiếu một ít, những hộ này lại liên hệ với ngân hàng vay vốn bổ sung theo các chương trình cho vay thương mại thông thường, bằng cách thế chấp tài sản tự có để vay vốn.
Song theo ông Tuyên, trong thực tế, đầu tư cho vay theo Nghị định “sáu bảy” đến nay vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc. Đơn cử, cơ quan chức năng chưa ban hành định mức tiêu hao vật tư đối với tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới nên khó khăn trong công tác thẩm định cho vay; việc xác định khối lượng, giá trị con tàu hoàn toàn phụ thuộc vào dự toán của đơn vị thiết kế, đơn vị thi công và đơn vị thẩm định giá…
Cùng đó, đa số chủ tàu đều báo cáo lỗ hoặc lợi nhuận ít, không đủ nguồn trả nợ gốc, lãi theo cam kết nên ngân hàng rất khó khăn trong việc quản lý nguồn thu của chủ tàu để thu hồi nợ vay. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát doanh thu của các chủ tàu để tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thu nợ.