Thách thức AEC
Cùng doanh nghiệp hội nhập AEC | |
AEC và cơ hội việc làm đối với nhân sự cấp trung người Việt | |
Nguy cơ “đảo chiều rút vốn” và cảnh báo xa |
Trong khi dành quá nhiều lưu tâm cho TPP và Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, các cơ quan quản lý và DN lại chưa nhận thức đầy đủ về những áp lực cạnh tranh khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập.
Chính vì tình trạng “đứng núi này trông núi nọ” nên các cơ hội từ AEC hiện nay chưa được tận dụng hết, trong khi thách thức từ gia tăng nhập khẩu, cạnh tranh của hàng hóa và dòng đầu tư từ ASEAN tại thị trường Việt Nam đã hiện hữu. Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã cảnh báo điều này như một thách thức của tiến trình hội nhập.
Thách thức thấy rõ nhất là kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ ASEAN đã tăng khá nhanh trong những năm qua, và cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá trong nước. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong số các nước thuộc ASEAN, Việt Nam có thặng dư thương mại không đáng kể với Campuchia, Philippines, Indonesia và Myanmar, song lại thâm hụt thương mại rất lớn với Thái Lan (3,45 tỷ USD).
Đáng lưu ý, hàng hóa Thái Lan, đặc biệt là hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, đồ trang trí nội thất và rau củ quả có mặt ngày càng nhiều ở các hệ thống phân phối của Việt Nam, cạnh tranh vượt trội so với các sản phẩm cùng loại của DN Việt Nam. Một số NĐT Thái Lan vừa qua cũng đã gia tăng sở hữu các cơ sở bán lẻ tại Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở phân phối, NĐT Thái Lan thời gian gần đây cũng tận dụng cơ hội từ hội nhập để đẩy mạnh “tấn công” vào nhiều lĩnh vực sản xuất như nông sản, thức ăn chăn nuôi, xây dựng…
Một NĐT quan trọng khác trong ASEAN cũng đã sớm đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam, đó là Singapore. Theo số liệu từ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/7/2016 có 3.040 dự án đầu tư còn hiệu lực từ các nước ASEAN vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 64,47 tỷ USD.
Trong đó Singapore là nước dẫn đầu với 38,1 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả khu vực tại Việt Nam. Hiện nay Singapore cũng là NĐT nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam.
Sự thâm nhập mạnh mẽ của hàng hoá và dòng vốn đầu tư từ ASEAN ngay trước khi AEC chính thức thành lập cho thấy, nhiều NĐT trong khu vực đã sớm tính toán và có sự chuẩn bị để tận dụng cơ hội. Tuy nhiên từ phía Việt Nam, cả cơ quan quản lý và cộng đồng DN còn quá “đủng đỉnh” ngay cả khi AEC đã có hiệu lực.
Báo cáo của CIEM lưu ý, các nước thành viên ASEAN hiện là đối tác đứng thứ ba cung cấp hàng hóa cho Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc).
Mức cam kết tự do hóa thương mại hàng hóa khá cao trong AEC là lợi thế rất lớn về lưu chuyển hàng hóa trong nội khối ASEAN, đồng thời tạo điều kiện cho các DN hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm cũng như tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.Vì vậy, cần nhìn nhận ASEAN là một trong các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và động lực quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu.
Theo đó, DN hoạt động thương mại hoặc sản xuất cần tận dụng ưu đãi trong khuôn khổ ASEAN thông qua việc đáp ứng quy tắc xuất xứ. Song đáng tiếc là hiện nay các DN Việt Nam chỉ lưu tâm đến ưu đãi thuế nhập khẩu nếu mức ưu đãi là đủ lớn. Trong khi đó, rất ít DN quan tâm đến việc đòi hỏi chứng nhận xuất xứ cho hàng nhập khẩu, do vậy khi xuất khẩu sang một nước ASEAN khác, ít DN đáp ứng được quy tắc xuất xứ và không được hưởng thuế suất ưu đãi.
Đây cũng chính là một nguyên nhân thương mại với ASEAN đã có sự chuyển dịch theo xu hướng giảm khá nhanh về tỷ trọng trong cả xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam. Cụ thể, tỷ trọng của ASEAN trong xuất khẩu của Việt Nam đã giảm từ 18,30% năm 2012 xuống 14,39% năm 2015, và tỷ trọng trong nhập khẩu giảm từ 15,22% xuống 11,20% trong cùng giai đoạn. Như vậy, hoạt động thương mại Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu, dường như vẫn tiếp tục chuyển hướng sang các đối tác thương mại lớn ngoài ASEAN như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong khi đó các chuyên gia đánh giá, chính “sân chơi” như AEC mới là vừa sức với DN Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Sau khi đã va vấp tại đây, DN mới có điều kiện tích lũy kinh nghiệm và nguồn lực để nâng cao năng lực đón đầu các FTA tiêu chuẩn cao hơn.
Một lãnh đạo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khuyến cáo, để nền kinh tế sẵn sàng đi cùng con tàu hội nhập TPP vào năm 2018, hành trang của chúng ta phải là AEC. “Phải có được hành trang AEC thì khi lên tàu mới có được chỗ ngồi tươm tất, nếu không sẽ chỉ là ngồi nhờ hoặc đứng lờ vờ ngoài cửa toa mà thôi”, vị này ví von.