Thách thức của xuất khẩu
Xuất siêu 1,15 tỷ USD trong tháng đầu năm | |
Bước chuyển linh hoạt của xuất khẩu |
Xu thế nhập siêu kéo dài toàn bộ quý IV/2016 đã bắt đà sang tháng đầu năm 2017. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 1 năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên nhập khẩu tăng nhanh hơn, tới gần 16%, kim ngạch ước đạt 14,7 tỷ USD. Như vậy, nền kinh tế khởi đầu năm mới với trạng thái nhập siêu khoảng 100 triệu USD, trái ngược hoàn toàn với giai đoạn đầu năm 2016 liên tục duy trì xuất siêu.
Ở giai đoạn trước, bối cảnh nhập siêu “dài mút chỉ” thường được viện dẫn là biểu hiện của sản xuất tăng trưởng, khi đầu tư nền tảng sản xuất tăng mạnh và nhập khẩu nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu tăng.
Tuy nhiên, sau một quá trình nhiều năm phát triển mà đến nay cán cân thương mại vẫn trồi sụt giữa 2 thái cực nhập siêu và xuất siêu, cho thấy sự ổn định của sản xuất chưa được thiết lập. Ở bối cảnh thị trường nhiều đối tác thương mại lớn đang thay đổi, xuất khẩu của Việt Nam còn để lại nhiều lưu ý.
Vấn đề đang ngày càng đáng quan tâm đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nằm ở tương quan giữa tăng trưởng xuất khẩu của khối trong nước và nước ngoài; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa; và các quan ngại liên quan đến tính bất định trong chính sách thương mại một số đối tác lớn.
Chẳng hạn như về tương quan giữa khối nội và ngoại, nhiều năm gần đây tăng trưởng xuất khẩu của khối ngoại cao hơn hẳn, khiến cho tỷ trọng của khối này đóng góp vào tổng kim ngạch có chiều hướng tăng lên. Năm 2013, tỷ trọng này mới đạt 61,3% thì sau khi tăng dần đều qua các năm đã cán mốc xấp xỉ 70,2% trong năm 2016; ước tính trong tháng 1/2017 chiếm tỷ trọng 70,5%.
Các con số trên đặt ra một số quan ngại rằng, liệu độ mở của nền kinh tế tăng theo các cam kết thương mại thực chất đã được các DN trong nước tận dụng tốt chưa, hay chỉ mới là các dự án nước ngoài “tranh thủ” cơ hội để tăng đầu tư vào Việt Nam và hưởng lợi? Phải chăng sức cạnh tranh của nền kinh tế nội địa còn chưa được cải thiện và năng lực cạnh tranh vẫn dựa chủ yếu vào các DN nước ngoài? Các DN trong nước đã chuẩn bị thế nào cho giai đoạn đầy thách thức sắp tới, khi chủ nghĩa bảo hộ dường như đang “leo thang”?
Ở khía cạnh khác, cũng đáng quan tâm không kém, là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng có sự điều chỉnh trong tháng đầu năm nay. Một báo cáo từ Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích các nhóm hàng xuất khẩu cho biết, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tháng 1/2017 (chiếm 79,7% tổng kim ngạch xuất khẩu) chỉ tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng chung là 7,6%. Trong khi đó ở hai nhóm còn lại có diễn biến trái chiều, nhóm hàng nông lâm thủy sản giảm 1,2% còn nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản lại tăng 46,5%.
Trên thực tế, trong tháng đầu năm nay lượng và giá trị xuất khẩu của dầu thô, than đá có sự phục hồi mạnh mẽ, sau khi giá bán được cải thiện. Xuất khẩu dầu thô tháng đầu năm ước đạt 191 triệu USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm ngoái; đặc biệt là mặt hàng than đá, ước xuất khẩu đạt 80 ngàn tấn thu về khoảng 7 triệu USD, tăng tương ứng 159,6% về lượng và tăng 233,1% về kim ngạch.
Với các nhóm hàng khác, đáng chú ý là xuất khẩu một số nhóm hàng mang tính gia công cao như điện thoại các loại và linh kiện, linh kiện điện tử vẫn giữ được tốc độ tăng, nhưng chủ yếu có yếu tố nước ngoài, trong khi nhiều mặt hàng chủ lực khác mà nhiều DN trong nước có tham gia lại giảm xuất khẩu hoặc tăng chậm, như dệt may, da giày, hay thủy sản, gạo, cà phê, hoặc gỗ và sản phẩm gỗ…
Điều đó cho thấy nhận định rằng xuất khẩu của Việt Nam có sự chuyển dịch khi giảm xuất nguyên liệu thô và tăng hàng chế biến, được đưa ra hồi cuối năm ngoái, là chưa phản ánh hết xu hướng thực tế của chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hiện nay. Với giá dầu thô và than đá trong xu hướng tăng lên, xuất khẩu của Việt Nam rất có thể lại ghi nhận sự đóng góp đáng kể của “hàng thô”.
Vấn đề khác là thách thức đặt ra từ một số thị trường quan trọng của hàng xuất khẩu Việt Nam. Cũng theo Vụ Kinh tế dịch vụ, Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng Việt lớn nhất trong tháng qua, vẫn duy trì tăng trưởng kim ngạch 9,5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó các thị trường quan trọng tiếp theo như EU, ASEAN lại có mức tăng kim ngạch rất thấp. Riêng thị trường Trung Quốc thì vừa chiếm tỷ trọng khá lớn trong tâm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, lại vừa có tốc độ tăng kim ngạch rất cao, tới 38,6%. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chính các thị trường tăng trưởng tốt lại đang có biểu hiện bất định.
Với Mỹ, nhiều xáo trộn về quan hệ thương mại có thể sẽ đến rất nhanh sau các quyết sách của Tổng thống đương nhiệm Donal Trump. TPP đã hẹp cửa tồn tại sau khi vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ ký lệnh rút nước này khỏi hiệp định đang được cả hai bờ Thái Bình Dương chờ đón. Hay những tuyên bố về việc sẽ rút các cơ xưởng của DN Mỹ từ nước ngoài về để đảm bảo việc làm cho trong nước; xem xét lại các đàm phán thương mại… đều có thể ảnh hưởng đến dòng hàng hóa từ Việt Nam đổ vào Mỹ trong năm nay.
Còn với Trung Quốc, nhiều thay đổi cũng có thể diễn ra. Đầu tiên là một số nhà đầu tư nước này đã và đang dự kiến đầu tư vào Việt Nam để đón TPP có thể sẽ có những toan tính khác. Trong khi đó một số động thái cho thấy khả năng Trung Quốc có thể không còn “dễ dãi” trong việc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Mới đây nhất là vào năm 2016, một nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu gạo, cám gạo Việt Nam được công bố, theo đó tất cả các lô gạo của Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ phải được cơ quan chức năng của Trung Quốc kiểm tra chất lượng trước khi xuất khẩu vào thị trường này.
Như vậy, nhìn lại các vấn đề trong cơ cấu xuất khẩu thời gian gần đây và đặc biệt là tháng đầu năm nay, có thể thấy hoạt động xuất khẩu năm nay sẽ đối mặt nhiều tác động khó lường; và khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu tăng 6-7% còn đầy thách thức.