Bước chuyển linh hoạt của xuất khẩu
Hướng tới đích trên 30 tỷ USD | |
Tiếp tục "cởi trói" cho hạt gạo | |
Xuất khẩu không xáo trộn vì sự cố |
Xuất khẩu năm 2016 dù không tăng trưởng theo mức đã đặt ra, song cũng được đánh giá là không quá tệ. Đây là nỗ lực của các DN khi khai thác các sản phẩm nhánh, thị trường ngách, bên cạnh các sản phẩm chủ lực và thị trường truyền thống.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu một số nhóm hàng công nghiệp chủ lực trong năm 2016 tiếp tục sụt giảm mạnh đã kéo đà tăng trưởng của xuất khẩu chậm lại đáng kể. Đơn cử nhóm điện thoại và linh kiện đạt 34,5 tỷ USD, tăng 14,4%, tốc độ tăng trưởng chỉ bằng một nửa so với mức 29,9% của năm 2015; dệt may đạt 23,6 tỷ USD, tăng 3,3%, thấp hơn đáng kể mức 8,2% của năm 2015; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện chỉ đạt 18,4%, thấp hơn mức 38,2%; giày dép đạt 7,6%, thấp hơn mức 16,2%.
Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng chung chững lại như vậy, vẫn có một số nhóm hàng có sự bứt phá mạnh. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đã chứng kiến cuộc đổi ngôi ngoạn mục giữa nhóm hàng lúa gạo và trái cây. Theo đó, xuất khẩu trái cây tăng vọt từ 1,9 tỷ USD lên 2,4 tỷ USD, trong khi xuất khẩu gạo giảm từ 2,4 tỷ USD xuống 1,9 tỷ USD. Trong năm vừa qua, xuất khẩu trái cây, rau quả đã đạt mức tăng trưởng cao nhất, ở mức 25% so với năm 2015.
Trước tình thế trục trặc của hội nhập nói chung và sự sụt giảm của các nhóm hàng xuất khẩu nói riêng, các chuyên gia đã khuyến cáo cần tính tới chuyện tái cơ cấu các nhóm hàng, cũng như khai thác thêm các thị trường tiềm năng để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu. Nếu chuyển hướng đúng, phù hợp với nhu cầu thị trường, thì sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có khả năng gia tăng được giá trị. Bên cạnh đó, việc khai phá thêm được những thị trường mới sẽ làm bàn đạp cho các DN mở rộng năng lực sản xuất, quy mô xuất khẩu.
Theo nhận định của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, các thị trường như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản có nhu cầu đặt hàng lớn và là các thị trường truyền thống của ngành này. Tuy nhiên trong năm vừa qua tình hình biến động của thị trường truyền thống như EU vẫn rất phức tạp và ảnh hưởng tới sức mua chung. Vì vậy để tránh rủi ro, DN cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường ngách như Úc, New Zealand… hoặc đẩy mạnh hơn nữa sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đối với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chiến lược được hoạch định trong thời gian tới là hướng sâu hơn vào các quốc gia ASEAN. Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas cho biết, với GDP đạt 2.600 tỷ USD, gần như không rào cản thuế khóa, các quy tắc xuất xứ được nới lỏng, chi phí vận chuyển thấp, xu hướng tiêu dùng tương đồng… thì thị trường ASEAN đang rộng mở với ngành dệt may Việt Nam. Hiện thương mại dệt may 2 chiều mới đạt trên khoảng 1,7 tỷ USD năm 2015, trong đó xuất khẩu là 965 triệu USD, vẫn còn rất nhiều dư địa thị trường cho DN khai thác.
Ngoài ra, mặc dù kim ngạch xuất khẩu hiện chưa cao, song các quốc gia châu Phi và Trung Đông đang là thị trường nhiều tiềm năng của Việt Nam. Ông Tạ Hoàng Linh, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, đây là thị trường có nhu cầu nhập khẩu cao, với nhiều mặt hàng phù hợp năng lực sản xuất của Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 70 quốc gia trong khu vực châu Phi và Trung Đông, song kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong năm 2015 mới đạt 3,18 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, con số này là 1,46 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn khu vực hàng năm, cho thấy đây là thị trường còn rất nhiều cơ hội để mở rộng. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của khu vực này gồm hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất, lương thực, thực phẩm, dược phẩm…
Trong khi đó, thị trường Trung Đông cũng giàu tiềm năng không kém. Trong năm 2015, kim ngạch nhập khẩu của khu vực này đã đạt khoảng 954 tỷ USD. Trong đó riêng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD, chiếm 0,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước Trung Đông. Tỷ trọng này trong năm 2014 đạt 0,7%, cho thấy cơ hội mở rộng thị phần cho hàng hoá Việt Nam còn rất lớn. Các nước Trung Đông có nhu cầu cao đối với sản phẩm lương thực, thực phẩm, nông sản, thuỷ sản, hàng tiêu dùng...