Thách thức mới cho ngành dệt may
Dệt may Việt Nam mở cánh cửa nghìn tỷ đô | |
Dệt may rộng cửa |
Việc 148 thương hiệu may mặc nổi tiếng trên thế giới cam kết sẽ sử dụng năng lượng sạch từ năm 2022 đang đặt ngành dệt may Việt Nam trước những thách thức mới, bên cạnh việc các DN dệt may phải đáp ứng yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu sản xuất. Đó là yêu cầu DN phải có trách nhiệm xã hội với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Bảo vệ môi trường là tiêu chí bắt buộc trong sản xuất khi hòa nhập với thế giới |
Những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết cũng đều có rào cản về môi trường, phát triển bền vững, phát triển xanh. Điều này đòi hỏi DN phải nỗ lực cải thiện không chỉ về chất lượng sản phẩm mà cả quá trình sản xuất ra sản phẩm.
Theo Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc tại châu Âu (UNECE), thời trang là ngành công nghiệp thứ hai trên thế giới gây ô nhiễm nguồn nước. Để sản xuất 1 chiếc áo cotton, người ta phải sử dụng tới 2,7 m3 nước sạch và 150 gram hóa chất. Để làm ra các sản phẩm thời trang, nhiều công ty trên thế giới đã đầu tư rất lớn vào các nhà máy dệt, nhuộm. Chỉ tính riêng ở Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã rót gần 5 nghìn tỷ đồng vào dệt sợi, nhuộm và hạ tầng. Các nhà máy dệt, nhuộm sử dụng rất nhiều loại hóa chất như axit, dung môi hữu cơ kiềm tính, thuốc nhuộm và chất màu, các hoạt chất bề mặt thải ra môi trường.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, dệt may là một ngành quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và cũng là một trong những ngành công nghiệp có nhu cầu của nhiều nước, đặc biệt là trong công đoạn xử lý vải, nhuộm. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường nước từ việc xả thải trong quá trình sản xuất.
Bởi vậy, muốn phát triển một cách bền vững, ngành này buộc phải thay đổi. Nếu DN gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết giảm chất thải, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… hoàn toàn có nguy cơ bị ngưng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đơn đặt hàng, nhất là với những đơn hàng của các DN may mặc có thương hiệu lớn trên thế giới.
Trên thực tế từ năm 2004, đã có một số dự án về môi trường và bảo vệ nguồn nước tại Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ triển khai. Tuy nhiên, theo bà Phạm Ngọc Linh - đại diện Công ty Tư vấn MCG, đơn vị tư vấn cho Tổ chức Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF - Việt Nam), những tác động của các dự án đến chuỗi giá trị ngành dệt may chưa nhiều. Nguyên nhân là do các dự án thường tập trung vào các DN lớn cấp 1, cấp 2 liên quan đến đầu tư nước ngoài, vẫn còn rất nhiều DNNVV (cấp 3-4), hay các khu công nghiệp chưa có nhà tài trợ vươn tới cấp độ này.
Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 130 DN dệt nhuộm cỡ nhỏ cấp 3-4 (là vệ tinh của DN cấp 1) này chưa được hỗ trợ về tiết kiệm điện nước và họ là những DN xả thải trực tiếp. Không những thế, hơn 50% nhà máy sản xuất điện tại Việt Nam đang sử dụng than đá trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng khí thải đang gây ô nhiễm môi trường, thì giải pháp phát triển xanh là giải pháp duy nhất để DN giảm áp lực an ninh năng lượng, phát triển bền vững.
Khuyên các DN Việt phải thay đổi để đáp ứng với sự phát triển chung của thế giới, ông Thomas Mills - đại diện thương hiệu Tommy Hifiger, đưa ra 3 tiêu chí, đó là: Đối tác đặt đơn hàng là những thương hiệu may mặc lớn trên thế giới đang chuyển hướng sang ưu tiên đặt đơn hàng cho những DN xanh; Người tiêu dùng sản phẩm trên toàn cầu đã bắt đầu xem xét yếu tố trách nhiệm xã hội với môi trường của DN sản xuất; Các thương hiệu sản phẩm may mặc đã chuẩn bị sẵn sàng tham gia mục tiêu giảm thải khí nhà kính. “Khi DN may mặc không thỏa mãn đủ 3 tiêu chí này, rất có thể sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi”, ông Thomas Mills cho biết.
Trước vấn đề mang tính bức thiết cho ngành dệt may phải thay đổi để tồn tại, các chuyên gia cho rằng, để có thể cải thiện được hiện trạng sản xuất của DN dệt may Việt Nam hiện đại, cần thiết phải có sự hỗ trợ từ Chính phủ và tổ chức tài chính, nhãn hàng dệt may.
Theo đó, Chính phủ cần có những chính sách quy định rõ ràng, minh bạch về tiêu chí công nghệ đầu tư đối với ngành dệt may, quy chuẩn môi trường phải đạt phù hợp và tiệm cận với tiêu chuẩn của toàn cầu. Các cơ quan chức năng liên quan, hiệp hội cần phải xúc tiến làm việc với các tổ chức tài chính nhằm xây dựng những chính sách hỗ trợ vốn đầu tư, công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.
Đồng thời, nắm bắt thông tin, tiêu chuẩn “xanh” từ các thương hiệu lớn trên thế giới để cập nhật kịp thời, giúp doanh nghiệp trong nước định hướng chiến lược phát triển và đầu tư sản phẩm dệt may.
Đại diện cho đơn vị quản lý, bà Ngô Thu Hằng - Vụ Quản lý nguồn nước Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cơ chế chính sách về môi trường đã khá hoàn thiện và đáp ứng tiêu chí toàn cầu. Đơn cử như để xả nước thải từ hoạt động dệt may ra môi trường, doanh nghiệp phải xử lý đảm bảo 10 thông số như COD, BOD, TSS... DN cũng có thể lựa chọn hình thức đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn yêu cầu trước khi thải ra môi trường hoặc xử lý sơ cấp rồi chuyển sang cho chủ đầu tư khu công nghiệp xử lý bước thứ cấp tiếp theo, đảm bảo đạt chuẩn trước khi thải vào môi trường.
“DN đầu tư hệ thống xử lý chất thải, tái sử dụng nước thải sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi lên tới 80% chi phí đầu tư. DN cũng có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường…”, bà Hằng nói.