Báo động tình trạng lạm dụng quỹ Bảo hiểm y tế
Bancassurance tiếp tục tăng tốc | |
Lực đỡ cho những người yếu thế | |
Hạn mức trả bảo hiểm: Từ kinh nghiệm quốc tế tới đề xuất chính sách |
“Móc túi”… quỹ Bảo hiểm y tế
Nghệ An đang là một trong những địa phương “đi đầu”, trong việc chi âm quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT).
Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Nghệ An cho biết, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn đã chi vượt quỹ hơn 351 tỷ đồng cho công tác khám, chữa bệnh. Cùng với việc tăng giá các dịch vụ y tế cho các đối tượng có thẻ BHYT từ 1/3/2016 theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính và Thông tư 40/2015/TT-BYT, đã khiến cho nguồn chi vượt so với dự kiến.
Bên cạnh đó, thực trạng các bệnh viện xin xuống hạng để được khám, chữa bệnh thông tuyến đã và đang gây ra nhiều áp lực cho cơ quan BHXH… Ngoài ra, còn tình trạng trục lợi, khai gian chi phí khám, chữa bệnh nhằm “móc túi” quỹ BHXH vẫn còn tồn tại dai dẳng ở nhiều địa phương trên địa bàn.
Nhiều bệnh viện tư nhân ở Nghệ An đã xin xuống hạng |
Thực tế, sau khi được thông tuyến khám, chữa bệnh giữa các đơn vị với nhau, nhiều bệnh viện đã bắt đầu tập trung các chiêu thức để thu hút, “níu giữ” bệnh nhân có thẻ BHYT. Kéo theo, tình trạng bác sĩ vẫn chỉ định chụp chiếu, nội soi… những danh mục không cần thiết phải thực hiện đối với người bệnh để tăng nguồn chi trả BHYT là điều khó tránh khỏi.
Bởi theo quy định tại Thông tư 40 thì việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh sẽ được BHXH giải quyết cho các đơn vị cùng hạng như nhau. Vì vậy, nguy cơ bội chi quỹ khám, chữa bệnh đối với BHXH là rất lớn. Mặt khác, khi được xếp hạng III, nhiều bệnh viện tư nhân cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh với bệnh viện công lập cùng tuyến…
Ông Sầm Văn Chung ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu cho biết: "Tôi bị bệnh về tai - mũi - họng nên đã xuống thẳng bệnh viện tư nhân ở TP.Vinh khám chữa vì nghe nói họ đã thông tuyến với nhau. Khi xuống đây, dù chỉ yêu cầu khám nhưng vẫn được bác sĩ khuyên nên nội soi, chụp chiếu đầy đủ. Vì nghĩ mình có thẻ BHYT chi trả nên tôi cũng không ngần ngại nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ".
Đây cũng là lý do mà nhiều người dân mặc dù ở vùng sâu, vùng xa nhưng vẫn sính tâm lý thích xuống các bệnh viện tư nhân ở Vinh chữa bệnh. Đơn giản vì họ không còn phải làm các thủ tục chuyển viện như trước mà chỉ cần có thẻ BHYT thì có thể đến bất kỳ bệnh viện nào đã thông tuyến khám, chữa bệnh...
Tác động từ thông tuyến?
Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh cải cách chính sách thu hút đầu tư, Nghệ An đã trở thành điểm đến để các DN trong và ngoài nước tiến hành xây dựng các công trình dân sinh với quy mô lớn nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong đó, phải kể đến các công trình có ý nghĩa phúc lợi và an sinh xã hội là hệ thống bệnh viện tư nhân. Chính vì vậy, nhiều DN đã không đắn đo khi bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân.
Bên cạnh đó, hệ thống các máy móc cũng như trang thiết bị y tế có thể cạnh tranh với các bệnh viện lớn cấp tỉnh và Trung ương. Bằng chứng là nhiều bệnh viện tư nhân sau khi đi vào hoạt động đã được các cơ quan chức năng xếp hạng II tương đương bệnh viện tuyến tỉnh...
Để đảm bảo “nguồn sống” của mình, trong thời gian qua, nhiều bệnh viện tư nhân trên địa bàn Nghệ An đã xin được xuống hạng tương đương cấp huyện để thu hút người dân BHYT đến khám, chữa bệnh.
Đặc biệt, sau khi Thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về việc khám thông tuyến huyện chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, các bệnh viện tư nhân vừa mới được xếp hạng II nay đã xuống còn hạng III. Điều này sẽ còn gây ra tình trạng bội chi quỹ BHXH trong thời gian tới.
Theo thống kê của Sở Y tế Nghệ An thì đến nay, trên địa bàn đã có 10 bệnh viện tư nhân xin được xuống còn hạng III gồm: Bệnh viện 115, Bệnh viện Mắt Sài Gòn, Bệnh viện đa khoa Cửa Đông, Bệnh viện đa khoa Phủ Diễn, Bệnh viện đa khoa Thành An - Sài Gòn, Bệnh viện đa khoa Thái An, Bệnh viện Quốc tế Vinh… Lý giải vì sao từ hạng II tương đương cấp tỉnh lại xin xuống hạng III, lãnh đạo một số bệnh viện tư nhân cho rằng, nếu không làm như vậy thì sẽ không… thu hút được bệnh nhân.
Cụ thể là dựa vào Thông tư 40/2015/TT-BYT thì việc quy định nếu người dân có thẻ BHYT thì có thể khám, chữa bệnh ở bất kỳ bệnh viện nào tuyến huyện hoặc tương đương mà vẫn được BHXH chi trả như nhau. Thêm một nguyên nhân nữa, đó là nếu bệnh viện vẫn ở hạng II (tương đương bệnh viện cấp tỉnh) thì sẽ không được nhận khám, chữa ban đầu mà chỉ được nhận các trường hợp từ tuyến huyện chuyển lên.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 8, Chương III thuộc Thông tư 40/2015/TT-BYT nêu rõ: “Người tham gia BHYT được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư này không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.
Có nghĩa là, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tuyến xã hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tuyến huyện và tương đương thì người dân sẽ được quyền đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu theo BHYT.