Thận trọng hơn với tài chính tiêu dùng
Tài chính tiêu dùng tìm lối đi riêng | |
Tài chính tiêu dùng: Công nghệ - ưu thế trong cuộc đua giành thị phần |
Theo đánh giá mới đây của Fiin Group (tiền thân là Stoxplus) tốc độ tăng trưởng tài chính tiêu dùng của Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại. Số liệu thống kê của Fiin Group cho thấy, năm 2018, mức tăng trưởng của thị trường tín dụng tiêu dùng chững lại với mức tăng 30,4%, thấp hơn so với mức tăng gần 60% của trung bình 5 năm trước.
Trong đó, người chơi tích cực nhất trên thị trường này là các công ty tài chính đang có dấu hiệu co hẹp thị phần. Mặc dù vẫn là người chơi lớn nhất trên thị trường tài chính tiêu dùng, nhưng thị phần cho vay của FE Credit đã giảm còn 47,3% năm 2018 so với gần 49% năm 2017. Home Credit cũng giảm từ 17,3% xuống còn 16,9%. HD Saison cũng đã trải qua sự suy giảm tăng trưởng so với những năm trước do sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh từ mở rộng phạm vi sang tập trung vào các khách hàng hiện tại trong hệ sinh thái của mình.
Theo phân tích của Fiin Group, trên thị trường tài chính tiêu dùng hiện nay các công ty tài chính đang được chia làm 2 “phe”: nhóm cho vay nóng, chấp nhận dự phòng rủi ro cao gồm FE Credit, Mcredit… và nhóm cho vay thận trọng ưu tiên chất lượng tài sản tốt hơn, đặt mục tiêu an toàn vốn cao hơn là tốc độ tăng trưởng gồm Mirae Asset, JACCS, Prudential Finance.
JACCS là một trường hợp điển hình của một người chơi bảo thủ khi công ty có mức tăng trưởng tín dụng khiêm tốn do số lượng hợp đồng mới và các khoản vay ô tô giảm. Hiện tại, dưới sự chuyển đổi sang quản lý của Shinhan Card Co. Ltd, Prudential Finance tăng trưởng chậm lại ở mức thấp nhất 1% trong nhóm do không có khoản vay mới nào được ghi nhận.
Sự co hẹp thị trường này không chỉ diễn ra ở các công ty tài chính tiêu dùng mà ngay cả các ngân hàng cũng tỏ ra thận trọng khi cho vay phục vụ đời sống tiêu dùng. Theo báo cáo mới nhất của NHNN, đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay phục vụ đời sống tăng 8,14%, thấp hơn so với mức tăng 8,88% của cùng kỳ năm 2018. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một ngân hàng quy mô nhỏ từng có ý định mua công ty tài chính tiêu dùng để phát triển mạnh mảng kinh doanh này cho biết, hiện tại ngân hàng tạm dừng ý định trên, mặt khác, việc phát triển tài chính tiêu dùng theo hướng thận trọng nghe ngóng thị trường.
Vì sao, công ty tài chính lẫn ngân hàng lại tỏ ra dè chừng đối với cho vay tiêu dùng. Có phải miếng bánh thị phần này bớt hấp dẫn? Trả lời câu hỏi này, vị lãnh đạo trên khẳng định, tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng vẫn lớn từ cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng cao… nhưng mức độ tiềm ẩn rủi ro cho vay của lĩnh vực này tương đối cao. Rủi ro có thể xuất phát do sự không trung thực từ phía khách hàng.
Còn về phía ngân hàng, do cho vay tiêu dùng thường là khoản vay nhỏ, cho vay theo số đông nên nếu ngân hàng không có hệ thống công nghệ phù hợp để giám sát mục đích sử dụng vốn vay, nguy cơ rủi ro tín dụng rất cao.
Lấy ví dụ cụ thể hơn cho hành vi gian lận, theo chia sẻ của vị CEO trên, tại Thái Lan, thông tin khách hàng đều được cập nhật vào ID điện tử quốc gia rất dễ cho ngân hàng tra cứu thông tin. Nhưng ở Việt Nam, việc này chưa thể làm được mà vẫn thông qua phương thức truyền thống như tra cứu qua chứng minh thư mà loại giấy tờ này rất dễ bị làm giả... “Việc định danh khách hàng bị giả mạo, khiến rủi ro cho vay cao, nên ngân hàng trở nên thận trọng hơn đối với lĩnh vực này”, vị này nhấn mạnh.
Một lãnh đạo Vietcombank cũng khẳng định, trong vòng 5 năm tới, ngân hàng này không thành lập công ty tài chính tiêu dùng vì cho vay tiêu dùng lãi suất cao song hành với rủi ro nợ xấu cao, ảnh hưởng đến hoạt động và cả hình ảnh của ngân hàng. “Các công ty tài chính tiêu dùng, mục tiêu lớn nhất của họ là lợi nhuận, nên có thể bất chấp cho vay bằng mọi cách. Còn ngân hàng không thể cho vay thiếu trách nhiệm được, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của mình”, ông nói.
Trước đó, trong lần trao đổi với phóng viên, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Tú Anh cũng đã cảnh báo, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng đã cao hơn 25% GDP, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro hệ thống và có thể gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế và bản thân hệ thống các tín dụng tiêu dùng. Vì thế, cần phải đánh giá, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với sự phát triển của tín dụng tiêu dùng để đảm bảo ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra.
“Thứ nhất, rủi ro vĩ mô, hệ thống như lãi suất tăng, cú sốc về thu nhập hay cú sốc về của cải. Những rủi ro này thường ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả lãi và gốc của người đi vay. Lãi suất cho vay tiêu dùng thường là lãi suất cao và thả nổi. Tiếp đến là rủi ro vay mượn quá mức. Rủi ro này chủ yếu do người đi vay tiêu dùng ít có các kiến thức về đánh giá và phòng ngừa rủi ro hơn các doanh nghiệp. Do đó, họ thường đánh giá quá cao khả năng trả nợ của mình và đánh giá quá thấp các rủi ro đối với dòng tiền trong tương lai của mình...”, ông Tú Anh chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra nếu cho vay tiêu dùng không được giám sát chặt chẽ.
PGS-TS. Nguyễn Thị Mùi - nguyên Phó giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, kinh nghiệm từ sự phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng tại nhiều quốc gia đều cho thấy với sự hiện diện của công ty tài chính sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển tích cực và lành mạnh hơn, hướng khách hàng đến một kênh tài chính chính thống có sự quản lý của nhà nước, mà nếu không có kênh vay vốn này, nhiều người trong số họ do không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng sẽ phải tìm đến kênh cho vay nặng lãi, không được pháp luật bảo hộ, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên sự chững lại của cho vay tiêu dùng sau một thời gian tăng trưởng nóng được giới chuyên môn nhận định là cần thiết để bản thân các công ty tài chính, hay ngân hàng nhìn nhận, đánh giá lại chiến lược kinh doanh lĩnh vực này, những cơ hội và thách thức mà họ sẽ phải đối mặt.