Thanh toán di động đến thời bùng nổ?
Thanh toán điện tử: Cuộc chơi đầy thách thức | |
Thanh toán không dùng tiền mặt: Thay đổi phải đến từ giải pháp cơ bản | |
Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng |
Chặng dừng chân tiếp theo của Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới tại Đông Nam Á là Việt Nam. Chưa nói, ai cũng biết, Việt Nam lọt vào tầm ngắm của đại gia thương mại điện tử này là do sở hữu gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone với 53% dân số sử dụng internet khiến tốc độ phát triển thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đã lên đến 40 - 50%, vượt xa dự đoán của Google. Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ bùng nổ chỉ là vấn đề thời gian.
Ảnh minh họa |
Trước Amazon, tỷ phú Jack Ma cũng đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam và khẳng định đây là cơ hội cho một xã hội lớn không tiền mặt. Vì vậy vị tỷ phú này không chỉ nhắm tới kiểm soát trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam là Lazada, mà còn tham gia vào cả thị trường thanh toán trực tuyến Việt Nam thông qua việc ký thỏa thuận hợp tác giữa Công ty ví điện tử Alipay (thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba) với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS).
Với tiềm lực tài chính mạnh và chiến lược mở rộng thị trường khắp Đông Nam Á, giới chuyên gia đồ rằng, tham vọng can thiệp sâu rộng vào ngành tài chính nói chung, thanh toán trực tuyến nói riêng của Tập đoàn Alibaba chưa dừng ở đây. Dường như hệ sinh thái Alipay đang từng bước hoàn thiện (từ bán hàng online, thanh toán đến vận chuyển), dựa vào “khuyến mãi khủng” nhờ sự trợ lực tiếp sức từ công ty mẹ thì việc Alipay sẽ thống trị thị trường thanh toán trực tuyến Việt Nam là điều được dự báo trước?
Nhận định này có cơ sở thực tế khi thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam được đánh giá tăng trưởng nhanh nhất châu Á với mức bình quân ước đạt 25% trong giai đoạn 2016 – 2018. Tuy nhiên, tiền mặt vẫn chiếm tới 90% trong các hoạt động thanh toán. Dù đến thời điểm này đã có 25 ứng dụng ví điện tử được cấp phép (như Google Pay, Samsung Pay, Android Pay…) nhưng phát triển khá èo uột, chưa phổ biến.
Một thực tế khác là, hiện tại Việt Nam đã có trên 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, phí bảo hiểm... Song cơ hội sẽ lớn hơn nữa vì còn nhiều người Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng. Điều quan trọng là phải đảm bảo trải nghiệm của người dùng luôn thật tốt, mã QR cần được chuẩn hóa. Việt Nam đang làm tốt công việc nhận biết khách hàng điện tử, đảm bảo tính an toàn về token hóa, đảm bảo các giao dịch được an toàn, ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam - Campuchia - Lào khuyến nghị.
Tiên phong trong phát triển ngân hàng số tại Việt Nam, mang tới những trải nghiệm vô cùng đa dạng và sáng tạo cho khách hàng, ứng dụng MyVIB đã giúp Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) liên tiếp được vinh danh ở hạng mục ngân hàng số. Cũng nhờ tập trung và hướng tới nhu cầu thực tế cùng trải nghiệm của khách hàng mà năm 2017, 20% khách hàng cá nhân mới của VIB là khách hàng mở tài khoản trực tuyến. Số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tăng 50%. Số lượng khách hàng tải ứng dụng MyVIB tăng 104%, số lượng khách hàng thường xuyên sử dụng tăng 87% so với năm 2016.
Một khi ngân hàng số của VIB chú trọng hợp tác với các công ty fintech thì ứng dụng ngân hàng di động MyVIB ngày càng sở hữu thêm nhiều tính năng khác biệt như chuyển tiền trong khi trò chuyện trên mạng xã hội, mua vé máy bay nội địa và quốc tế nhanh chóng, thanh toán nhiều hóa đơn cùng lúc, gửi tặng tiền, lì xì trực tuyến...
Là khi viễn thông (Viettel) và ngân hàng (MB) kết hợp cung cấp tới khách hàng dịch vụ Bankplus trên điện thoại cá nhân để thực hiện thanh toán điện tử thông qua tài khoản BankPlus được mở tại các ngân hàng đối tác ở 63 tỉnh thành trên toàn quốc thu hút đến 3,5 triệu người sử dụng. Tiện ích này càng có tiềm năng phát triển hơn nhờ mạng lưới viễn thông đã phủ rộng khắp cả nước.
Sự xuất hiện của thanh toán di động đem đến cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách nhanh chóng, thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người có thu nhập thấp.
Chính phủ đang nỗ lực phổ cập, thúc đẩy xu hướng thanh toán này tại Việt Nam, hy vọng đạt tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020. Khuyến khích, tạo thuận lợi bằng chính sách toàn diện về pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, các giải pháp công nghệ, đẩy mạnh việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao để càng có thêm nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, các công ty Fintech cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp và tiếp cận với một số lượng lớn người lao động...