Thanh toán điện tử: Cuộc chơi đầy thách thức
Tra cứu tiền gửi tiết kiệm tại Sacombank | |
Thanh toán di động cạnh tranh nóng | |
Cộng hưởng cho sự phát triển thị trường tài chính |
Giai đoạn 2015-2025, theo đánh giá của Google và Công ty đầu tư Temasek Holdings (Singapore), thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng khoảng 33-35%/năm, gấp 3 lần mức tăng trưởng của ngành bán lẻ truyền thống, làm thay đổi mạnh mẽ phương thức thanh toán. Đi cùng với đó, thị trường thanh toán điện tử sẽ thực sự sôi động hơn bao giờ hết, khi ngày càng nhiều công ty fintech nội ra đời cũng như các DN fintech trên thế giới gia nhập vào thị trường Việt Nam.
Theo PNB Paribas Bank, tổng khối lượng thanh toán số toàn cầu dự báo tăng trưởng trung bình 10,9%/ năm từ nay đến 2020 |
CMCN 4.0 đang đặt ra thách thức trong chiến lược kinh doanh, NH buộc phải thay đổi để thích nghi và thích ứng. Nói ngắn gọn như Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Tiến Dũng, thì “bối cảnh thanh toán hiện nay đã chuyển biến mạnh mẽ với những xu hướng rõ nét như: kỳ vọng cao khách hàng trong kỷ nguyên số, sự nổi lên của các công nghệ mới, sự gia nhập những loại hình tổ chức mới vào lĩnh vực thanh toán và xu hướng cơ quan quản lý ban hành những quy định thúc đẩy, đổi mới, cạnh tranh”.
Thanh toán điện tử là xu hướng chung toàn cầu và càng ngày, phương tiện thanh toán cũng như sự phục vụ khách hàng qua hệ thống CNTT càng tiến bộ. Và về điều này, Việt Nam còn rất hạn chế so với thế giới. Thế nên một trong những trăn trở của các NH Việt Nam hiện nay là làm sao áp dụng các công nghệ mới, ứng dụng sản phẩm mới. Tuy nhiên, những sản phẩm đó đôi khi nền kinh tế lại chưa hấp thụ được. Chẳng hạn như hiện nay, các DN cỡ trung và nhỏ còn chưa mặn mà chấp nhận cách thức thanh toán qua thẻ, chứ chưa nói tới những công nghệ hiện đại khác.
Thêm nữa, số người sử dụng công nghệ của hệ thống NH hiện còn thấp. Theo khảo sát của NHNN, hiện còn khoảng 1/2 dân số Việt Nam, tương đương 45 triệu dân chưa có tài khoản NH, đặc biệt là dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều này đồng nghĩa với tiền mặt vẫn là thanh toán chủ yếu và đó là trở ngại cho phát triển ứng dụng công nghệ mới.
Trao đổi với một chuyên gia tài chính - NH, vị này cho rằng hiện tại, một trong những điểm nóng của ngành NH là vấn đề an toàn, an ninh. “Phải làm sao ngày càng củng cố được lòng tin của người dân, DN với hệ thống NH, đó là mấu chốt. Điều này đòi hỏi phải là sự hợp tác chặt chẽ từ cơ quan quản lý (NHNN) tới NHTM, DN và người dân để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Khi khách hàng tin tưởng, thì mỗi NH sẽ thuận lợi hơn trong triển khai các sản phẩm, dịch vụ để thu hút khách hàng”, vị này cho hay.
Thêm nữa, các chuyên gia cũng nhận thấy, hiện Việt Nam chưa có một chương trình giáo dục tài chính một cách toàn diện. Trong khi ở nhiều quốc gia, đây được xem là một trong những điều cơ bản phải thực hiện.
Có thể lấy ví dụ như tại Mỹ, chương trình Money Smart (Đồng tiền thông minh) do Tổng công ty BHTG Liên bang Mỹ (FDIC) và Cục quản lý DN nhỏ Hoa kỳ (SBA) phối hợp thực hiện là chương trình giảng dạy miễn phí trên website FDIC, cung cấp những kiến thức và hướng dẫn thực hành cơ bản để khởi nghiệp và quản lý một DN nhỏ. Sau đó mở rộng ra các mục về quản lý dòng tiền, lập kế hoạch để DN hoạt động lành mạnh…
Một thách thức cũng đặt ra với các NHTM trong CMCN 4.0 khi sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong thanh toán, đó là việc các nhà băng phải thực sự làm ăn một cách bài bản. Bản thân các NH phải được vận hành ngày một lành mạnh hơn, lợi nhuận tăng lên, thì chi phí cho đầu tư công nghệ, trong đó có lĩnh vực thanh toán sẽ bớt nặng gánh hơn.
Trong thanh toán điện tử, một phương thức để thực hiện thanh quyết toán, không phụ thuộc vào SWIFT và các phương tiện thanh toán khác là công nghệ blockchain (chuỗi khối). Ngoài việc đẩy nhanh hoạt động chuyển tiền, blockchain còn có thể giúp các NH hoạt động liên tục. Nhiều NH và các tổ chức tài chính trên toàn cầu đã chi hàng ngàn đô la nghiên cứu về các khái niệm liên quan tới blockchain.
Theo TS. Lê Phú Lộc, Viện Chiến lược NH (NHNN), với sức mạnh công nghệ blockchain và sự quan tâm của hệ thống tài chính thế giới với công nghệ này, thì NHNN và bản thân các NHTM phải chủ động nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với các công ty cung cấp giải pháp công nghệ blockchain. Điều này nhằm tăng cường nhận thức của cơ quan quản lý và hệ thống NH về ứng dụng công nghệ này. Cần nghiên cứu, thử nghiệm blockchain vào hệ thống NH, trước hết là lĩnh vực thanh toán.
Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho ứng dụng blockchain vào hệ thống NH; phát triển một vài sandbox-kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực bảo mật có tác dụng cô lập các ứng dụng, ngăn chặn các phần mềm độc hại để chúng không thể làm hỏng hệ thống máy tính, hay cài cắm các mã độc nhằm ăn cắp thông tin cá nhân và thử nghiệm ứng dụng công nghệ này trong thanh toán giá trị thấp.