Chuyển dần bảo lãnh Chính phủ sang bảo lãnh của các NHTM
Ảnh minh họa |
Cụ thể, tại Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2016, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Quản lý chặt chẽ Quỹ tích lũy trả nợ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ.
Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo tập trung cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm; đồng thời nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các NHTM; tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp; ban hành và triển khai thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương...
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các NHTM. Còn nhớ tại Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2015, Chính phủ cũng đã yêu cầu như vậy.
Theo các chuyên gia kinh tế, đó là một chủ trương đúng và rất cần thiết để đảm bảo an toàn nợ công trong bối cảnh nợ công đang tăng nhanh trong những năm gần đây trong khi cân đối ngân sách vẫn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc làm này còn buộc các DNNN phải trách nhiệm hơn trong việc vay nợ và sử dụng nợ vay một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển là rất lớn nên Chính phủ vẫn thận trọng khi chủ trương chỉ “chuyển dần sang” kênh bảo lãnh của các NHTM. Bởi lẽ, theo TS. Phan Minh Ngọc, nếu thực thi đồng bộ, trên diện rộng thì sẽ không có mấy DNNN vay được vốn trong khuôn khổ mới này vì rất nhiều trong số các DNNN đang sản xuất kinh doanh không hiệu quả, khó mà được các NHTM bảo lãnh đi vay trừ khi các ngân hàng cho vay theo chỉ định.
Box:
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế thiết lập hệ thống các nhà tạo lập thị trường trái phiếu thông qua cơ chế cho vay trái phiếu Chính phủ. Thực hiện đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2016 và phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ theo đúng Nghị quyết Quốc hội.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bán phần vốn nhà nước trong các DNN không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường và sử dụng một phần số tiền thu này cho đầu tư phát triển.