3 tỷ USD to cỡ nào?
Trước triển vọng huy động vốn từ thị trường trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) ngày càng khó khăn, đồng thời trong năm 2015-2016, khối lượng TPCP đến hạn thanh toán lên tới hơn 363.000 tỷ đồng, mới đây Bộ Tài chính đã chính thức đề nghị Quốc hội cho phép phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ trong năm 2015 - 2016.
Khả năng trả nợ khó cải thiện nếu tiếp tục chi tiêu quá nhiều |
Bước đi tốt trong ngắn hạn
Theo Bộ Tài chính, hiện nay các nguồn tài chính trong nước đã được huy động tối đa, nên không thể tiếp tục huy động để tái cơ cấu danh mục nợ TPCP. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Quốc hội cho phép phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế (TPQT) với kỳ hạn từ 10 - 30 năm, lãi suất phụ thuộc vào điều kiện thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành.
Cơ quan này cho biết, về cơ bản đợt phát hành này sẽ không làm tăng dư nợ Chính phủ, các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định, đồng thời vẫn đáp ứng được mục tiêu cơ cấu nợ hợp lý theo chiến lược đã đề ra.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, xét về mặt tài chính và cân đối ngân sách, nâng cao chất lượng nợ thì việc phát hành TPQT để tái cơ cấu nợ công là điều tất yếu. Thế nhưng vấn đề đặt ra là Luật Quản lý nợ công hiện nay lại không cho phép vay ngoại tệ để cơ cấu lại các khoản vay bằng VND, do đó vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội và cần phải trình ra để các đại biểu Quốc hội thảo luận trong kỳ họp tới.
Trước mắt, ông Kiên đánh giá nếu phát hành được trái phiếu với kỳ hạn dài 10 - 30 năm như kế hoạch của Bộ Tài chính thì đây là những kỳ hạn tốt, song phải xem xét lại xem giá phát hành là bao nhiêu. Vì giá phát hành phụ thuộc vào ổn định kinh tế vĩ mô và tốc độ tăng trưởng. Nếu tốc độ tăng trưởng chưa lý tưởng và kinh tế vĩ mô chưa ổn định thì việc phát hành quá nhiều với kỳ hạn dài sẽ là gánh nặng lớn lên nền kinh tế.
Ông Kiên phân tích, kế hoạch phát hành cần phải cân đối hài hoà giữa các nguồn vốn trung hạn, dài hạn chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng số. Đồng thời các khoản vay phải có chương trình mục tiêu, dự án cụ thể và nó phải gắn vào hiệu quả dự án đó.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng đồng tình và cho rằng việc phát hành TPQT để tái cơ cấu nợ sẽ chỉ làm thay đổi cơ cấu, tính chất của nợ công. Theo ông Ánh, với kỳ hạn dài 10-30 năm, phát hành TPQT sẽ chuyển từ những khoản nợ chưa đáo hạn có lãi suất cao hơn thành những khoản nợ kéo dài hơn với lãi suất tốt hơn thì đó là phương án tốt trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh hiện chưa thể khẳng định chắc chắn về khả năng làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu an toàn tài chính trong dài hạn, do các vấn đề xung quanh kế hoạch phát hành 3 tỷ USD TPQT hiện vẫn chưa được cụ thể hoá. Chẳng hạn các vấn đề như hình thức phát hành, điều kiện đi kèm... Bên cạnh đó, phát hành 3 tỷ USD để sử dụng vào việc gì, chỉ tái cơ cấu nợ hay chi một phần cho đầu tư phát triển... cũng cần được làm rõ.
Lường định rủi ro dài hạn
Một vấn đề khác là ngay cả khi kế hoạch phát hành đã rõ, thì triển vọng thu hút khách hàng trên thị trường TPQT cũng là điều đáng bàn. TS. Nguyễn Đức Kiên lo ngại trong thời điểm này phát hành TPQT với khối lượng 3 tỷ USD là khó thu hút người mua.
Ông Kiên lý giải, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế thế giới đến thời điểm hiện nay đều được dự báo trong năm 2016 sẽ giảm đi chứ không tăng cao như tính toán ban đầu. Bên cạnh đó, kinh tế trong nước cũng chưa đạt được ngưỡng hồi phục, mà ở đây phải đạt được ngưỡng trước khủng hoảng năm 2007 hoặc năm 2011. Cho nên lãi suất khi phát hành dài hạn ra thị trường quốc tế sẽ cao. Đặc biệt nếu phát hành để đầu tư xây dựng cơ bản, các công trình hạ tầng thì khả năng “đắt hàng” sẽ càng khó khăn hơn.
Một dấu hiệu thực tế hơn cho thấy lo ngại này là có căn cứ. Đó là chỉ số CDS đánh giá mức độ rủi ro của việc nắm giữ TPCP của Việt Nam đã tăng trong hai tháng cuối quý III/2015, theo nhận định của Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia.
Theo đó chỉ số CDS trong 5 năm tính đến giữa tháng 9 ở mức 260 điểm, cao hơn mức 200 điểm của đầu năm và là mức cao nhất kể từ tháng 1/2014. Điều này cho thấy giới đầu tư nước ngoài đang gia tăng tâm lý lo ngại với nợ công. Điều đó cho thấy tính hấp dẫn của TPCP đang kém hấp dẫn đi trong mắt NĐT nước ngoài.
Hiện chưa rõ trong khoản trái phiếu 3 tỷ USD mà Bộ Tài chính dự kiến huy động sẽ dành bao nhiêu % để chi trả nợ, song một chuyên gia tài chính cảnh báo, vay mới để trả nợ cũ là hậu quả tất yếu của việc không có nguồn trả nợ và khiến cho quy mô nợ tích tụ ngày càng cao. Cần lưu ý rằng năm 2014, Việt Nam đã phát hành 1 tỷ USD cũng để tái cơ cấu nợ.
Vị này cũng lưu ý, tình hình nợ công và khả năng trả nợ không thể cải thiện nếu thâm hụt ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao và không có triển vọng thu hẹp, dừng lại và chuyển sang thặng dư ngân sách. Do đó song song với việc đi vay để cơ cấu lại nợ thì vấn đề cân đối NSNN, giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ công là vô cùng quan trọng.
Trong bối cảnh đó, không thể tiếp tục tăng thu NSNN mà chỉ có thể giảm chi NSNN, nhất là giảm chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước.
Mặc dù vậy, xét trong dài hạn thì việc phát hành TPQT cũng có mặt tích cực khác là tạo ra tín hiệu tốt đối với NĐT quốc tế về việc Việt Nam tham gia thị trường một cách thường xuyên, tác động tích cực đến tính thanh khoản của các trái phiếu hiện hành, cũng như tạo ra sự hấp dẫn cho các trái phiếu mới để giảm chi phí huy động vốn trong tương lai. Bởi xét trong dài hạn, để chờ thị trường trái phiếu trong nước phát triển một cách chuyên nghiệp, thì TPQT vẫn sẽ là nguồn huy động vốn không thể thiếu.