Thị trường khách sạn cần sự khác biệt
Cạnh tranh ở thị trường khách sạn | |
Đầu tư vào chuỗi khách sạn: Cơ hội đang mở cho tất cả |
Du lịch phát triển nhanh
Theo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, năm 2017 Đà Nẵng chào đón khoảng 6,6 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm 35%. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách quốc tế đạt mức tăng trưởng ấn tượng 39% và lượng khách nội địa tăng 12%. Tổng thu du lịch đạt 19.504 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm 2016, đạt 105,4% kế hoạch năm...
Thị trường khách sạn tại Đà Nẵng đang chịu áp lực cạnh tranh |
Đặc biệt, theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam, trong thời gian diễn ra tuần lễ cấp cao APEC vào quý IV/2017, Việt Nam và TP. Đà Nẵng nói riêng, đã có cơ hội tiếp đón các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo DN từ 21 nền kinh tế thành viên, cùng với một lực lượng phóng viên, hậu cần hùng hậu. Sự kiện được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông đa quốc gia, giúp thành phố biển này ghi thêm dấu ấn trên bản đồ du lịch quốc tế.
Thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng tập trung nâng cao chất lượng du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững. Bên cạnh, ngành cũng đã tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới có sức cạnh tranh cao. Ưu tiên phát triển theo nhóm sản phẩm có thế mạnh ở địa phương như, du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, du lịch hội nghị/hội thảo (MICE)…
Với mục tiêu phát triển ngành “công nghiệp không khói” một cách bền vững, ngành du lịch TP. Đà Nẵng dự kiến sẽ thuê tư vấn nước ngoài thực hiện lập quy hoạch phát triển ngành du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, triển khai đề án quản lý và khai thác dịch vụ du lịch tuyến Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018 - 2020; Xây dựng và phát triển đề án phân công, phân cấp quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố…
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh của ngành du lịch tại TP. Đà Nẵng cũng đang để lại những bất cập. Trong đó, nổi lên là tình trạng một số tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoạt động kinh doanh du lịch trái với quy định của pháp luật Việt Nam. Một số DN vì lợi ích trước mắt đã có những hành vi cạnh tranh không lành mạnh…
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đã cho rằng, với sự tăng trưởng “nóng” thị trường khách du lịch trọng điểm, cụ thể là thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc, đã khiến phát sinh bất cập khi một số cá nhân tổ chức người nước ngoài kinh doanh trái pháp luật, núp bóng DN lữ hành Việt Nam dưới hình thức đối tác hoặc nhập vào Việt Nam với chức danh tư vấn, hỗ trợ điều hành để thao túng, hoạt động trái mục đích.
Ngoài ra, một số DN tại Đà Nẵng có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, chưa đủ sức khai thác thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, là tình trạng thiếu sản phẩm du lịch độc đáo, các dịch vụ thể thao biển, vui chơi, giải trí, cơ sở mua sắm; công tác nghiên cứu xúc tiến thị trường khách quốc tế còn hạn chế...
“Nóng” thị trường khách sạn
Đặc biệt, việc phát triển nhanh của ngành “công nghiệp không khói” tại TP. Đà Nẵng đã và đang khiến thị trường khách sạn tại địa phương phát triển “nóng”. CBRE Việt Nam đã đưa ra những thông tin tổng quan thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng trong quý IV/2017.
Theo đó, thị trường khách sạn đang có xu hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Cụ thể, trong quý IV/2017, thị trường đón nhận thêm một khách sạn 5 sao, một khách sạn 4 sao và ba khách sạn 3 sao, cung cấp thêm hơn 1.508 phòng, nâng tổng nguồn cung 3-5 sao lên 16.402 phòng (tăng 37% so với 2016). Thị trường khách sạn tại Đà Nẵng đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn và chỉ những khách sạn biết tạo sự khác biệt và/hoặc có vị trí đẹp mới có thể thu hút du khách…
Trong khi đó, quý IV/2017, thị trường Đà Nẵng không có dự án condotel mới nào được chào bán. Trong cả năm 2017, nguồn cung condotel ghi nhận 1.426 căn mới được chào bán (chỉ bằng 1/4 so với nguồn cung mới năm 2016), từ dự án Coco Ocean Resort & Spa, Coco Towers, Coco Wonderland (thuộc tổ hợp du lịch giải trí Cocobay) và TMS Luxury, nâng tổng nguồn cung tích lũy lên 7.675 căn.
Tương tự, thị trường biệt thự nghỉ dưỡng (second home villa) cũng đã hạ nhiệt trong năm 2017, với chỉ một dự án chào bán mới vào Q3 (Pan Pacific villa) tại phân khúc hạng sang.
Hiện, thành phố có khoảng 689 cơ sở lưu trú với 28.821 phòng, tăng 114 cơ sở lưu trú với 7.497 phòng so với năm 2016 và có 43 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn. Tuy nhiên, cũng theo bà Dương Thùy Dung, dự báo đến năm 2020 toàn thành phố sẽ có 32.021 phòng.
Đó là chưa kể các loại hình căn hộ truyền thống và cả căn hộ condotel thì liệu số lượng du khách có tiêu thụ hết số lượng phòng đó hay không? Không chỉ vậy, Đà Nẵng còn chịu áp lực cạnh tranh từ các thị trường lân cận như Nha Trang hay Quảng Nam…
Trên thực tế, thời gian gần đây đối với các khách sạn ít sao, nguồn khách chủ yếu vẫn là khách nội địa, thường đi du lịch theo mùa. Cao điểm khai thác khách chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Do kinh doanh theo mùa, nên việc kinh doanh của các khách sạn nhỏ gặp nhiều khó khăn. Công suất phòng vào những thời kỳ thấp điểm chỉ đạt mức trung bình 10%, thậm chí có nhiều khách sạn xa khu vực trung tâm thành phố, xa biển... phải chấp nhận rơi vào cảnh “đóng băng”, hoạt động cầm cự.
Có thời điểm, do kinh doanh ế ẩm, nhiều khách sạn nhỏ trên địa bàn địa phương được rao bán với giá từ 20 đến 100 tỷ đồng. Trên nhiều tuyến đường của TP. Đà Nẵng, nhiều khách sạn nhỏ đang treo biển cho thuê lại hoặc bán.