Thị trường M&A 2018: Ngân hàng vẫn còn room cho nhà đầu tư ngoại
M&A ngân hàng có được hâm nóng? | |
Cú hích cho M&A ngân hàng | |
“Làn sóng” M&A vào Việt Nam tiếp tục gia tăng |
Đây là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo giới thiệu Diễn đàn M&A 2018 với chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới”. Diễn đàn do Báo Đầu tư và AVM Vietnam tổ chức tại TP.HCM ngày 8/8/2018.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu: "Cách đây đúng 1 năm, nhiều dự báo chuyên môn dù rất lạc quan cũng khó có thể đưa ra viễn cảnh về sự bùng nổ mạnh mẽ của các thương vụ M&A trong năm 2017. Nhưng 2017 là một năm bùng nổ các thương vụ M&A đưa tổng giá trị thương vụ lên tới 10,2 tỷ USD, tăng 175% so với năm 2016. Đây là con số kỷ lục, vượt xa mọi dự báo trước đó".
"Như người ta thường nói, kỷ lục được sinh ra là để phá bỏ, và điều đó không phải là không có cơ sở", ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A thường niên phát biểu.
Sự bùng nổ các thương vụ M&A lớn trong nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018 được “châm ngòi” bởi các chủ trương và các biện pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhất là tại những doanh nghiệp lớn... Bên cạnh đó, sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân đang thực sự tạo ra bước ngoặt mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam, với kỳ vọng lớn hơn giá trị và số lượng thương vụ
Năm 2017, ngành có tỷ trọng giá trị M&A lớn nhất là sản xuất hàng tiêu dùng (57%), tiếp theo đó là ngành bất động sản (27%), tài chính - ngân hàng (4%), vật liệu hóa chất (3%). Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành bất động sản chiếm ưu thế (66,75%), tài chính - ngân hàng (19 %) và sản xuất công nghiệp (9%).
"Chúng tôi dự báo giá trị M&A năm 2018 có thể chưa thực hiện được những thương vụ lớn như Sabeco, tuy nhiên, có thể thị trường sẽ đạt mốc tăng trưởng so với 2017 - không có Sabeco", ông Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty AVM, Phó Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam cho biết.
Với kịch bản này, giá trị M&A tại Việt nam đạt 6 tỷ USD (tương đương tăng 15,3% so với 2017 - không có Sabeco, bằng 58,8% so với giá trị M&A 2017 – có Sabeco). Và theo Nhóm nghiên cứu, với kịch bản thận trọng, giá trị M&A thị trường Việt Nam được duy trì ở mức trên 5 tỷ USD liên tục trong 4 năm 2015 – 2018.
Nhưng để thị trường đạt một tầm cao mới thì vẫn cần chờ đợi những thương vụ lớn, cũng như chờ đợi các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các doanh nghiệp.
Năm 2018, dự báo các thương vụ M&A sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Tiếp theo là các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục…
Xu hướng được các nhà đầu tư quan tâm trong thời gian tới là các lĩnh vực tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hàng… Đây là những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng.
“Nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn cơ hội, chẳng hạn như BIDV hay một số ngân hàng khác vẫn còn room cho nhà đầu tư chiến lược. Các công ty tài chính, hoặc bảo hiểm của các ngân hàng cũng sẽ cần tìm đối tác để phát triển nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường”, theo ông Đặng Xuân Minh.
Tính từ năm 2009 - khi Diễn đàn M&A Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức đến nay đã có gần 4.000 thương vụ M&A được thực hiện thành công tại Việt Nam với tổng giá trị lên tới 48,8 tỷ USD,
“Thị trường M&A Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để tạo nên một “Bước ngoặt mới, Kỷ nguyên mới” nhưng bên cạnh đó vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro cần được lường trước và có giải pháp khắc phục để hoạt động M&A tiếp tục phát triển”, Thứ trưởng Phương phát biểu.
Thách thức đến từ bên ngoài như sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, đặc biệt là việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sự căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Hay nội tại bên trong nền kinh tế Việt Nam như: Trở ngại từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông…
Diễn đàn sẽ phân tích, đánh giá đầy đủ và sâu sắc các yếu tố nói trên. Trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm tiếp tục khai thông hơn nữa dòng vốn đầu tư theo hình thức M&A, cũng như làm cho hoạt động M&A trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế và tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, Diễn đàn dự kiến sẽ được nghe ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và nhiều đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan, cũng như sự thảo luận chuyên sâu của các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước.