“Làn sóng” M&A vào Việt Nam tiếp tục gia tăng
Hàng Việt thưa vắng sau mua bán sáp nhập | |
Năm 2018, ngành nào nóng chuyện M&A? |
Ông Ralf Pilarczyk, Trưởng bộ phận Mua bán và Sáp nhập khu vực ASEAN của Ngân hàng Standard Chartered cho biết, M&A là kênh lựa chọn tốt để các DN trong nước biến đổi quy mô nhanh chóng, còn các DN nước ngoài dễ dàng thâm nhập hơn vào thị trường.
Ảnh minh họa |
Hiện nay, ASEAN với dân số hơn 600 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ cao nên là thị trường rất tiềm năng. Dự báo đến năm 2025, GDP khu vực này vẫn tăng trưởng tốt. Chính vì thế, trong suốt nhiều năm qua, hoạt động M&A vẫn tăng trưởng rất mạnh.
Với Việt Nam, do nằm trong khu vực ASEAN, 1 trong 4 khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, cộng thêm lợi thế dân số trẻ cùng nhiều lợi thế tĩnh khác, hứa hẹn sẽ là một điểm đến đầy hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là thị trường tiêu dùng.
Theo các chuyên gia nhận định, trong xu thế chung của khu vực ASEAN, tại Việt Nam đã và đang diễn ra nhiều giao dịch M&A với quy mô và nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 2017, thị trường M&A của Việt Nam đạt được tổng giá trị giao dịch là 6,1 tỷ USD, trở thành điểm đến đầu tư tuyệt vời của nhà đầu tư tại khu vực. Trong đó lĩnh vực bán lẻ, sản xuất được cho là luôn hấp dẫn nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội gia tăng lợi nhuận. Ngoài ra, các lĩnh vực thu hút nhiều nguồn vốn thông qua hình thức M&A như bán lẻ, sản xuất, bất động sản, tài chính…
Bà Tina Tejwaney, chuyên gia về M&A cho rằng, Việt Nam thu hút nhà đầu tư là bởi sở hữu nhiều yếu tố quan trọng. Bên cạnh điều kiện thuận lợi cho sản xuất thì thị trường vốn luôn được các nhà đầu tư đánh giá cao. Vì vậy, những thương hiệu tốt luôn được các nhà đầu tư sẵn sàng mua. Đơn cử như Sabeco đang chiếm 40-41% thị phần của thị trường bia rượu tại Việt Nam, trong khi lượng tiêu thụ rượu bia tại thị trường nội địa là khá lớn nên Thaibev đã không ngại trả giá cao trong thương vụ M&A nhãn hiệu bia Việt này.
Trước đó, Singha Asia là một công ty thành viên của Tập đoàn Boon Rawd Brewery, hãng bia đầu tiên và lớn nhất của Thái Lan, được thành lập vào năm 1933 đã công bố rót 650 triệu USD vào Masan. Ngoài ra, hàng loạt tên tuổi khác cũng công bố hiện diện tại thị trường Việt Nam như TTC Group mua lại hệ thống đại siêu thị Metro, Central mua Big C, Siam City Cement đầu tư vào Holcim Việt Nam mua lại hãng sản xuất xi măng này của LafargeHolcim (Pháp) thành lập năm 1994.
Bên cạnh Thái Lan, nhà đầu tư Trung Quốc và cả Mỹ cũng đang nhìn vào thị trường Việt Nam, đã có những thương vụ lớn trong lĩnh vực sản xuất như thương vụ Tập đoàn Mondelçz International mua lại thương hiệu ngành bánh kẹo trong nước Kinh Đô.
Trong những yếu tố thúc đẩy thị trường M&A ở Việt Nam phát triển phải kể đến việc Chính phủ lại nới “room” sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và lộ trình thoái vốn của Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ 2015 đến 2017 thị trường M&A Việt Nam có sự tăng mạnh về doanh số, nếu năm 2014, giao dịch trên thị trường chỉ đạt 0,4 tỷ USD, thì đến năm 2015 đã tăng lên 2,9 tỷ USD, đến năm 2016 là 4,7 tỷ và năm 2017 là 6,1 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2018, đã có 2,2 tỷ USD vốn cam kết đầu tư vào thị trường thông qua hình thức góp vốn và mua cổ phần, tăng 167% so với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài, không thể không nói tới vai trò của các nhà đầu tư trong nước, các DN nội đã tham gia trong nhiều thương vụ, đóng góp phần không nhỏ vào thị trường M&A thời gian qua.
Với nhiều yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, thị trường tiêu dùng, Việt Nam được nhận định sẽ còn tiếp tục thu hút thêm nhiều nguồn vốn thông qua các thương vụ M&A rót vào nền kinh tế.
Song, mặc dù thị trường thu hút được các nhà đầu tư, tăng trưởng mạnh và nhanh nhưng theo các chuyên gia do còn nhiều khó khăn về quá trình thực hiện nên tính hiệu quả vẫn còn khiêm tốn. Nhất là khi các bên khi tham gia vào các thương vụ M&A vẫn gặp nhiều khó khăn về quy định của pháp luật, cũng như sự minh bạch thông tin, công bố thông tin của các DN Việt Nam còn thiếu, thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng.
Vì vậy, để thúc đẩy thị trường M&A đòi hỏi sự cải thiện về hành lang pháp lý, phương thức tiến hành hiệu quả từ phía cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy hoạt động M&A ngày càng phát triển.