Thị trường vay tiêu dùng: Ngư ông đắc lợi
Minh bạch để hướng tới bền vững | |
Tư vấn vay tiêu dùng tại Home Credit | |
Xã hội đang hưởng lợi từ cho vay tiêu dùng |
Tiếp tục xu hướng thành lập CTTC
Tại ĐHCĐ năm 2018, OCB trình cổ đông thông qua việc tiếp tục triển khai thành lập hoặc mua lại CTTC. Theo HĐQT, hiện tại OCB đã có khối khách hàng đại chúng hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng, đang hoạt động rất hiệu quả, với quy mô phát triển nhanh, nên cần tách thành CTTC độc lập để thuận lợi cho quản lý kinh doanh và quản trị rủi ro.
Vay tiêu dùng ngày càng đa dạng vì có nhiều CTTC tham gia |
Trước đó, SeABank cũng cung cấp thông tin ra bên ngoài về việc mua lại CTTC từ VNPT. Thực tế, thương vụ chuyển nhượng này đã đi đến giai đoạn hoàn tất vì VNPT đã và đang chuẩn bị hồ sơ trình lên NHNN và Bộ Thông tin - Truyền thông để chính thức ký hợp đồng bán lại CTTC TNHH MTV Bưu điện (PTFinance) cho SeABank với mức giá 710 tỷ đồng. Như vậy, sau khi hoàn thiện hợp đồng mua bán, xin cấp phép từ NHNN và thanh toán tiền trúng đấu giá, SeABank sẽ chính thức sở hữu một CTTC.
Tại ĐHCĐ mới đây, lãnh đạo SHB cũng cho biết trong năm 2017, SHB đã hoàn tất việc sáp nhập CTTC Vinaconex - Viettel (VVF) vào NH, góp phần nâng cao năng lực tài chính của NH cả về vốn và quy mô hoạt động. SHB cũng đã hoàn tất các thủ tục thành lập CTTC tiêu dùng SHB (SHBFC).
Thực tế, việc các NH ráo riết muốn có được CTTC cho riêng mình không phải là chuyện mới mà mỗi NH đều đã có kế hoạch chuẩn bị từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, thời điểm 2018 được đánh giá là tốt nhất để các NH gút lại các công tác chuẩn bị để về đích. Nói như một lãnh đạo NH thì trước một thị trường quá nhiều tiềm năng, càng chậm chạp trong việc thành lập CTTC, NH đó càng mất cơ hội tăng trưởng.
Quả vậy, đối với thị trường được đánh giá còn nhiều tiềm năng này, chính các vị lãnh đạo NH đang sở hữu CTTC cũng xác thực nó đang tạo ra tăng trưởng vượt bậc cho những đơn vị hoạt động liên quan. Chẳng hạn như HD Saison có tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm. Thực tế, HD Saison đã đạt điểm hòa vốn chỉ sau 3 năm hoạt động (đến năm 2010). Thực tế, sự tăng trưởng của HD Saison còn kéo theo tăng trưởng cho 2 đơn vị cùng chủ đó là giúp NH mở các tài khoản bán chéo, tài trợ cho người mua vé máy bay của Vietjet Air. Tính đến hết quý I/2018, HD Saison đã đóng góp hơn 45% vào thu nhập lãi thuần của HDBank.
Tương tự, VPBank cũng ghi nhận lợi nhuận khủng đóng góp từ FE Credit. Nhìn vào báo cáo tài chính của VPBank trong 3 năm gần đây, dễ thấy lợi nhuận mà NH đạt được phần lớn là có sự đóng góp của CTTC. Dự kiến, trong 5 năm tới, điều này cũng vẫn được ghi nhận khi mà FE Credit đang từng bước vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường ở mảng cho vay tiêu dùng.
Dù chưa ghi nhận con số khủng nhưng CTTC MB Shinsei đang là sự kỳ vọng lớn mà MB hướng tới trong tương lai. Theo thông tin trên website MB, chỉ sau 10 tháng hoạt động ổn định, CTTC của MB đã bắt đầu kinh doanh có lãi. Mạng lưới trên 30 tỉnh, thành phố với hơn 800 điểm giới thiệu sản phẩm. MB Shinsei đặt mục tiêu quy mô 5 triệu khách hàng tại Việt Nam vào năm 2021, phân khúc khách hàng mục tiêu có thu nhập trung bình từ 3-10 triệu đồng/tháng với các sản phẩm cho vay trả góp, vay tiền mặt và thẻ tín dụng.
Người tiêu dùng có nhiều kênh lựa chọn khoản vay
Nhìn chung, không chỉ những NH nêu trên có mục tiêu thành lập CTTC mà còn rất nhiều NH cũng đang lên kế hoạch thực hiện mục tiêu này. Về lý thuyết, đây là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các NH để giành thị phần, nhưng xét về thực tế thì người tiêu dùng đang được hưởng lợi lớn từ cuộc đua này. Bởi, để lôi kéo khách hàng về mình, những CTTC mới thành lập luôn có những ý tưởng táo bạo để triển khai các sản phẩm độc đáo, hợp với nhu cầu người vay.
Đơn cử, đối với gói vay trả góp lãi suất 0% hiện các CTTC đang hoạt động đều có sản phẩm này. Tuy nhiên, mỗi CTTC đều áp dụng cách thức trả góp khác nhau và người tiêu dùng phải tinh ý xem CTTC nào có liên kết với nhà sản xuất, nhà bán lẻ tốt hãy lựa chọn vay. Ví dụ, cũng là cho vay trả góp 0% lãi suất nhưng CTTC FE Credit không áp dụng rộng rãi chương trình này cho các sản phẩm thông dụng. Trong khi đó, Home Credit lại có đối tác liên kết triển khai chương trình cho vay ưu đãi lên đến con số 50 đơn vị, trong đó danh mục đối tác liên kết trả góp 0% của Home Credit rộng lớn hơn với nhiều lĩnh vực từ điện tử và công nghệ, nội thất và gia dụng, du lịch và nghỉ dưỡng, giải trí và giáo dục, sức khỏe và làm đẹp…
Ngược lại, đối với chương trình trả góp lãi suất 0% tại HD Saison, để sở hữu sản phẩm, khách hàng phải trả trước một khoản tiền tùy sản phẩm, thì khi vay tại MB Shinsei, người vay không cần phải trả trước khoản nào mà phần còn lại sẽ được chia đều trả trong 6 tháng mà không bị tính lãi…
Một điểm khá phổ biến hiện nay ở sản phẩm vay mua trả góp 0% là các CTTC cho vay thường tính thêm phí làm hồ sơ, phí thu hộ, phí bảo hiểm, các NHTM tính phí chuyển đổi NH… Đây là yếu tố để người vay so sánh xem thử cùng một chương trình cho vay mua trả góp nhưng CTTC nào có mức phí thấp hơn thì nên lựa chọn sản phẩm vay tại CTTC đó sẽ lợi hơn.
Còn đối với các sản phẩm vay mua trả góp lãi suất thì vay mua trực tiếp sẽ ít bị phí hơn là vay mua trả góp qua thẻ tín dụng. Cụ thể, khách hàng vay mua qua thẻ tín dụng phải chịu một số mức phí như phí chuyển đổi từ giao dịch mua hàng sang hình thức trả góp ưu đãi khoảng 2-3%/giá trị giao dịch, phí 2% trên dư nợ hiện tại nếu thanh toán trước hạn khoản trả góp, phí quản lý tài khoản 1%/tháng…
Như vậy có thể thấy, khi có nhiều CTTC cùng hoạt động, thì người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn gói sản phẩm, dịch vụ vay tối ưu nhất để vay thay vì có gì vay nấy như trước đây. Cũng vì cạnh tranh, mà mỗi đơn vị cho vay cũng buộc phải nhìn lại mức lãi suất, phí mà mình đang áp dụng có phù hợp với thị hiếu của người vay nữa hay không điều này giúp cho người vay có quyền lợi nhiều hơn.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển chia sẻ, người vay tiêu dùng trước khi vay nên bỏ chút thời gian để tìm hiểu về sản phẩm mình sẽ vay tại công ty này có lợi hơn so với công ty khác hay không. Một công thức đơn giản cũng luôn đúng cho đến thời điểm này là các CTTC có mức độ yêu cầu cho vay thoáng hơn thì lãi suất và phí sẽ cao hơn so với CTTC còn lại nhưng tất nhiên họ cũng có những tính toán bù đắp khuyến mãi để giữ khách hàng.
Rõ ràng nếu cùng một tính chất và sản phẩm cho vay mà CTTC nào có lãi suất cao hơn thì người vay hoàn toàn có quyền chọn lựa vay của CTTC khác hoặc là yêu cầu có quyền lợi khác bù vào. Bởi, trong môi trường cạnh tranh gay gắt giữa các CTTC, người tiêu dùng trở thành đối tượng được ưu tiên tuyệt đối, mọi thoả thuận giữa người vay - người cho vay sắp tới đây của người vay chắc chắn sẽ được linh hoạt theo cách chiều chuộng người vay...