Thị trường vốn: San sẻ gánh nặng với ngân hàng
Cần phát triển thị trường vốn để hỗ trợ ngân hàng | |
Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp | |
Kỳ vọng gì ở thị trường vốn Việt? |
Chứng khoán, trái phiếu khởi sắc
Sự hình thành, phát triển của thị trường vốn có vai trò quan trọng với nền kinh tế. Đây là chuyện không mới, nhưng suốt nhiều năm nay vốn của nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu là dòng vốn từ hệ thống NH. Vấn đề này liệu có được giải quyết trong thời gian tới khi chứng khoán, trái phiếu có dấu hiệu khởi sắc hơn?
Nhiều quan điểm đồng tình với nhận định của ông David Green Morgan, Giám đốc Nghiên cứu thị trường vốn toàn cầu tại Tập đoàn Jones Lang LaSalle cho rằng: Năm 2016 có thể sẽ là một năm mà chính trị đóng vai trò then chốt, quyết định đến tâm lý đầu tư và hơn nữa là hoạt động của thị trường toàn cầu.
Hệ thống NH vẫn là trụ cột vốn của nền kinh tế |
Những khó khăn do tác động trên thị trường thế giới sau sự kiện Brexit đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn. Mức độ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam không đáng kể, thị trường trong nước đã có sự phục hồi khá tốt.
Kết thúc hai quý đầu năm, số liệu từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Theo đó, chỉ số VN-Index tăng 7,5% so với cuối năm 2015. Mức vốn hoá thị trường tăng hơn 11%, đạt 1.512 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với cuối năm 2015, tương đương với 36% GDP.
Với trái phiếu Chính phủ (TPCP), nhiều chuyên gia đều có nhận định chung rằng, thị trường TPCP thành công ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Tới tháng 7/2016, đã có 24 phiên đấu thầu được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức, huy động được 22,652 tỷ đồng trái phiếu, đạt trên 80% kế hoạch phát hành.
Sự thuận lợi này cũng là một trong những lý do khiến Kho bạc Nhà nước đã điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP năm nay tăng thêm 30 ngàn tỷ đồng (từ 220 ngàn tỷ lên mức 250 ngàn tỷ đồng). Mới đây, Kho bạc Nhà nước cũng đã có thông tin kế hoạch phát hành TPCP trong quý III/2016 với tổng mức phát hành là 50 ngàn tỷ đồng, trong đó trái phiếu kỳ hạn 5 năm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 22 ngàn tỷ đồng; Trái phiếu kỳ hạn 30 năm có hạn mức huy động 3 ngàn tỷ đồng.
Như vậy, nếu đạt được mục tiêu đề ra trong quý III, thì 3 tháng cuối năm 2016, lượng phát hành TPCP chỉ khoảng 18 ngàn tỷ đồng. Do đó khả năng lớn là khối lượng TPCP huy động sẽ được rải đều cho các tháng còn lại, chứ không bán ồ ạt như thời gian qua.
Về phía các NHTM, hoạt động mua, đầu tư TPCP 6 tháng qua cũng ở mức khá cao. Đơn cử, hết quý I/2016 Vietcombank đã dành hơn 86 ngàn tỷ đồng đầu tư vào TPCP. Ở chiều ngược lại, Vietcombank sẽ phát hành 8 ngàn tỷ đồng trái phiếu bằng VND năm 2016. Trong tháng 6/2016, ACB cũng đã phát hành 2 ngàn tỷ đồng trái phiếu phân phối cho 34 nhà đầu tư. Mục đích của các nhà băng không nằm ngoài việc bổ sung nguồn vốn của NH, nhằm đa dạng hoá kênh huy động, giảm thiểu rủi ro thanh khoản, lãi suất.
NH vẫn là trụ cột
Thị trường trái phiếu, chứng khoán đều đã có sự khởi sắc nhất định so với những năm trước. Nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường vốn Việt Nam ở thời điểm này vẫn phụ thuộc khá nhiều vào vốn từ các NHTM. Và theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, tính hết năm 2015, tổng tài sản khu vực NH chiếm 75% tổng tài sản hệ thống tài chính.
Tổng dư nợ tín dụng hệ thống NH cung ứng cho nền kinh tế lên tới 4,66 triệu tỷ đồng, tương đương 111% GDP. Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2016 ở mức 8,16%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2015. Tín dụng 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá lý tưởng, điều này có nhiều khả năng sẽ “dọn đường” để tín dụng 6 tháng cuối năm có nhiều yếu tố thuận lợi để đạt mục tiêu tăng trưởng 18 - 20%.
Ở vào thế buộc phải đóng vai trò trụ cột trong cung ứng vốn đầu tư cho nền kinh tế, bản thân các NH không khỏi lo lắng. Và họ ý thức được rằng để phát triển thị trường tài chính một cách bền vững, thì tất yếu phải quan tâm nhiều hơn tới quản trị rủi ro, từ đó tạo điều kiện để phát triển thị trường vốn đa dạng với quy mô lớn hơn.
Bởi vậy, vốn tín dụng của các NH cũng đang ngày càng tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt với đối tượng DNNVV; có sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, việc hội nhập sâu rộng hơn với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới mang lại cho thị trường Việt Nam cơ hội và thách thức ngang nhau. Nhưng phải thừa nhận rằng, hội nhập sẽ giúp thị trường Việt Nam mời gọi được nhiều nguồn vốn đầu tư hấp dẫn từ nước ngoài, đặc biệt là vốn trung và dài hạn.
Bảy tháng đầu năm 2016, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm là 12,94 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ 2015. Mới đây, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Bộ Tài chính cũng đã ký kết Hợp đồng tài trợ cho Dự án hỗ trợ phát triển thị trường vốn và cơ chế tài chính cho hình thức đối tác công tư.
Với sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài sẽ góp phần thúc đẩy cho thị trường vốn trong nước thêm sức bật trong thời gian tới. Song các chuyên gia cũng khuyến cáo, để tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài thì việc nâng cao tín nhiệm quốc gia, đề cao sự minh bạch trong hệ thống tài chính là việc phải đặc biệt lưu tâm.