Thoái vốn nhà nước: Bỏ chung một rổ, vàng thau lẫn lộn
Cho dù đầu tư ngoài ngành hiệu quả, nhưng tới đây nhiều DN sẽ phải bỏ ra khỏi danh mục hoạt động kinh doanh theo quy định hành chính của cơ quan Nhà nước, bất kể triển vọng sử dụng vốn, tiềm lực vốn, năng lực quản trị của DN. Điều này xuất phát từ việc đánh đồng 2 loại thoái vốn Nhà nước: thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương tái cơ cấu DNNN và thoái vốn Nhà nước từ các DN đã cổ phần hoá (CPH), TS. Trần Tiến Cường cho biết.
Việc chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa 2 loại thoái vốn này đang dẫn đến tồn tại nghịch lý trong thực hiện. Với thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh, đây là việc điều chỉnh vốn đầu tư, điều chỉnh hoạt động đầu tư tại DN và điều chỉnh hoạt động đầu tư tài chính tại DN khác. Sử dụng vốn kinh doanh của DN thuộc quyền của DN, do bộ máy quản trị DN quyết định. Như vậy, việc can thiệp hành chính thoái vốn vừa can thiệp vào quyền kinh doanh của DN, vừa thiếu tính kinh tế vì chưa tính đến thực trạng và triển vọng đầu tư của DN trong và ngoài ngành kinh doanh chính.
Với thoái vốn Nhà nước từ các DN đã CPH, thì đây là điều chỉnh vốn điều lệ, tức là điều chỉnh vốn chủ sở hữu Nhà nước. Đó là hoạt động sử dụng vốn chủ sở hữu, thuộc quyền của cổ đông Nhà nước, không phải quyền của DN (trừ DN là công ty con của DN mẹ).
Đối với nhiều nước, việc tăng, giảm vốn Nhà nước tại DN được quy định chặt chẽ vì đó là quyền chủ sở hữu Nhà nước, quyền này thuộc về Nghị viện, Quốc hội. Ví dụ như Thuỵ Điển, việc mua bán cổ phần của DN mà Chính phủ sở hữu trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết thì phải được Quốc hội phê chuẩn; Chính phủ không được phép bán bớt cổ phần thấp dưới mức do Quốc hội thông qua.
Trong bối cảnh nước ta, hiện chưa có các quy định, các căn cứ hay tiêu chí để thoái vốn Nhà nước từ DN đã CPH. Quyền quyết định thoái vốn Nhà nước cũng không nhất quán với quyền quyết định CPH. Quyết định CPH được căn cứ vào các tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ xét duyệt chặt chẽ (theo Quyết định ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN). CPH xong thì không còn tiêu chí để giảm hoặc tăng cổ phần Nhà nước, thẩm quyền xem xét quyết định cũng “hạ cấp” giao cho Bộ, UBND cấp tỉnh.
Rõ ràng, đây là một vấn đề cần phải giải quyết để có cơ sở giám sát quyền lực, nhất là tới đây số lượng DN 100% vốn Nhà nước sẽ giảm đi rất nhiều. Số DN có vốn Nhà nước chi phối sẽ tăng lên nhiều, trong số này có nhiều DN lớn gồm TĐKT, TCT ở ngay trong các ngành, lĩnh vực quan trọng.
Chính vì vậy, Nhà nước chỉ nên đưa ra chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành và đưa ra một số nguyên tắc chung, căn cứ vào đó để DN áp dụng. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành cần căn cứ đặc điểm của từng DN. Trong đó, chủ yếu là hiệu quả đầu tư trong và ngoài ngành; tiềm lực tài chính của DN; triển vọng ngành kinh doanh chính; sản phẩm ngành kinh doanh chính ở giai đoạn nào, nếu ở giai đoạn thoái trào thì cần xem lại chính sách thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính, để chuyển sang đầu tư ngành kinh doanh chính mới triển vọng hơn. Nhà nước không nên quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm thoái vốn vì như vậy là can thiệp sâu vào DN, trái với nguyên tắc thị trường và thể chế thị trường chúng ta đang xây dựng và hướng tới. Không nên chuyển tải ý chí Nhà nước bằng các quy định có tính quy phạm pháp luật có hiệu lực chung.
Đối với DN đang kinh doanh có hiệu quả ở cả ngành kinh doanh chính và ngoài ngành kinh doanh chính thì quyền quyết định thoái vốn đầu tư ngoài ngành cần trao cho bộ máy quản trị, điều hành của DN căn cứ theo tín hiệu thị trường. Đồng thời nên áp dụng những nguyên tắc trên cho cả DN CPH có vốn Nhà nước chi phối thông qua quyền lực của cổ đông chi phối tại DN mà trực tiếp là người đại diện phần vốn tại DN.