Thông tin tín dụng xuyên biên giới
Minh bạch hoá thông tin tín dụng | |
Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam: Chủ động trong cung cấp thông tin | |
CIC tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ |
Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là cơ chế hợp tác kinh tế với mục tiêu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Được thành lập vào tháng 11/1989, các nền kinh tế thành viên hướng tới mục tiêu chung xây dựng một cộng đồng năng động, hài hòa và tự cường, thông qua việc đi đầu tự do hóa và mở cửa thương mại và đầu tư, đẩy nhanh liên kết kinh tế khu vực, khuyến khích hợp tác kinh tế và kỹ thuật, thúc đẩy hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững.
Năm APEC Việt Nam 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, với ý nghĩa các nền kinh tế APEC sẽ cùng nhau thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thành các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020; chung tay xây dựng tầm nhìn liên kết khu vực trong giai đoạn phát triển mới. Đây là nền tảng quan trọng để cùng tạo dựng quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương, vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21.
Hợp tác trao đổi thông tin tín dụng giữa các nước thành viên trong APEC là rất quan trọng |
Bên lề các hoạt động của APEC, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) dự kiến tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thông tin tín dụng xuyên biên giới” tại Ninh Bình, thảo luận về việc chia sẻ thông tin giữa các quốc gia, nhằm góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế, giảm thiểu rủi ro từ toàn cầu hóa.
Hội thảo dự kiến sẽ quy tụ đầy đủ đại diện cấp cao của các tổ chức quốc tế như BIIA, ABAC, IFC, các trung tâm, công ty thông tin tín dụng của các nước thành viên APEC và đại diện khách mời của một số nước thuộc khối ASEAN và ASEAN+3.
Nội dung chính của buổi hội thảo đề cập đến sự cần thiết của hoạt động trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới tại một số quốc gia trong đó có Việt Nam, bảo mật thông tin trong việc trao đổi thông tin xuyên biên giới và kinh nghiệm thực tiễn triển khai tại một số quốc gia và khu vực. Từ đó, hội thảo sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia APEC trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý, chuẩn hóa dữ liệu phục vụ hoạt động chia sẻ thông tin xuyên biên giới, cũng như kêu gọi ký kết các thỏa thuận hợp tác chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên APEC.
Trên hết, CIC kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về thông tin tín dụng từ các nền kinh tế khác trên thế giới, và mở ra khả năng hợp tác quốc tế sâu rộng hơn cho Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế thì toàn cầu hóa đang là xu hướng tất yếu và ngày càng được mở rộng trên toàn thế giới, toàn cầu hóa tác động trực tiếp sâu rộng tới các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội của các nước trong đó có lĩnh vực thông tin. Trong xu hướng toàn cầu hóa, các DN đều phát sinh nhu cầu tìm hiểu thông tin của các đối tác, bạn hàng của họ, đặc biệt là các đối tác nước ngoài trong các giao dịch thương mại.
Trong khi người bán cần thông tin để đánh giá mức độ tín nhiệm, độ tin cậy về khả năng thanh toán của đối tác nước ngoài, thì người mua hàng cũng cần kiểm tra tính ổn định trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ của nhà cung cấp. Các DNNVV, khi chuyển dịch kinh doanh tới các quốc gia khác trong tương lai gần cũng đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận tài chính do thiếu các thông tin lịch sử tín dụng được lưu trữ tại quốc gia đó. Chính vì thế việc chia sẻ thông tin tín dụng qua biên giới các nước là hết sức cần thiết. Điều này xuất phát từ cơ sở lợi ích của các bên tham gia cùng trao đổi.
Tại Việt Nam CIC là cơ quan thông tin tín dụng hàng đầu, CIC có chức năng thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của NHNN và thực hiện các dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng theo quy định của NHNN và pháp luật. Hoạt động của CIC đóng góp tích cực cho công tác quản lý của NHNN cũng như đảm bảo hoạt động kinh doanh tín dụng an toàn, hiệu quả, góp phần vào việc ổn định hệ thống ngân hàng, giúp ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng, góp phần hỗ trợ các TCTD mở rộng, phát triển.
Hiện nay, CIC đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp trao đổi thông tin xuyên biên giới nhằm mở rộng nguồn thu thập thông tin để thực hiện kế hoạch hành động của NHNN ban hành cùng với Quyết định 1097/QĐ-NHNN ngày 1/6/2015 về việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Việc CIC tổ chức Hội thảo bên lề hội nghị APEC với chủ đề “Thông tin tín dụng xuyên biên giới” đã cho thấy tầm quan trọng của thông tin tín dụng trong giai đoạn toàn cầu hóa. Hy vọng sự thành công của hội thảo tới đây sẽ mở ra cánh cửa hợp tác trao đổi thông tin tín dụng giữa các nước thành viên trong APEC. Đây cũng sẽ là cánh cửa cho các DN tìm hiểu thông tin đặc biệt là các thông tin thương mại trước khi tiến vào những thị trường mới trong APEC.