Thu hút FDI: Sau thảm đỏ, cờ hoa là gì?!
Chuyển động mới trong thu hút FDI | |
Sách Trắng 2017: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn | |
Thu hút FDI trước kỳ vọng mới |
Chi phí giao dịch để đi vào hoạt động tại Việt Nam đã xuống thấp ở mức kỷ lục trong năm vừa qua, cho thấy thủ tục để gia nhập thị trường đang thuận lợi hơn bao giờ hết. Đây là tiến bộ rõ nét nhất trong môi trường đầu tư Việt Nam dưới đánh giá của NĐT nước ngoài, theo ghi nhận tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016.
Trong 2 năm vừa qua, hơn 90% DN có được tất cả các giấy phép cần thiết để chính thức đi vào hoạt động chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi bắt đầu thực hiện các thủ tục. Nhóm nghiên cứu PCI cho biết, đây là tỷ lệ cao nhất Việt Nam từng đạt được và tăng đáng kể so với giai đoạn 5 năm trước.
Trên thực tế, khoảng 40% DN trong năm 2015 và 2016 chính thức đi vào hoạt động chỉ trong vòng 1 tháng. Ngoài ra, chỉ có 38% DN phải bổ sung thêm các giấy tờ cần thiết, trung bình cần thêm 2 giấy phép con. Con số này cũng đã giảm so với những năm trước. Cuối cùng, khoản chi phí chính thức trung bình của các hồ sơ gia nhập thị trường là 1.000 USD, giảm 50% so với giai đoạn 2010-2014.
Ảnh minh họa |
GS-TS. Edmund Malesky, Đại học Duke, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI đánh giá, những thay đổi pháp luật trong 2 năm qua đã tạo ra một môi trường pháp lý thân thiện hơn đối với các NĐT nước ngoài. Những cải cách này đã gặt hái được thành quả, gia tăng sự lạc quan và triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh lớn hơn. Điều tra 1.550 DN FDI năm 2016 cho thấy dấu hiệu tích cực đó. 11% DN FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư, 63% tuyển dụng thêm lao động mới, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Hơn một nửa số DN FDI đánh giá chi phí gia nhập thị trường đã giảm bớt.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để khai thác hết tiềm năng thu hút đầu tư FDI. Dẫn kết quả khảo sát, GS. Malesky cho biết, nhiều NĐT vẫn e ngại về môi trường kinh doanh bình đẳng và việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Các thủ tục hành chính hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn cần được đơn giản hoá, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí tuân thủ cho các DN. Nói cách khác, cửa thu hút đầu tư đã rộng mở hơn với thảm đỏ và cờ hoa, song các rào cản, “ổ gà” phía sau thì vẫn nhiều và khó tháo bỏ.
Kết quả PCI đã cho thấy cụ thể hơn về thực trạng này. Năm 2016, có tới 71,9% DN cho biết họ đã dành trên 5% thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định, cao hơn tỷ lệ của năm 2015 là 69,8% và cao hơn đáng kể so với mức thấp nhất của khảo sát PCI thực hiện năm 2010 là 56%.
Điều này đồng nghĩa NĐT đang ngày càng mất nhiều quỹ thời gian dành cho việc điều hành, quản lý và phát triển DN để tìm hiểu các quy định hành chính. Trong số các thủ tục hành chính, DN FDI đặc biệt quan ngại về thuế, bảo hiểm xã hội và hải quan. Có khoảng 25-30% DN FDI cho biết các lĩnh vực này còn nhiều phiền hà.
Bên cạnh đó, cảm nhận về môi trường cạnh tranh bình đẳng của DN FDI vẫn chưa có nhiều cải thiện. GS. Malesky giải thích, DN FDI vẫn quan ngại về các ưu đãi đối với DNNN trong nền kinh tế. Bởi vậy dù đã giảm đáng kể so với năm 2014, song vẫn có tới 68% DN FDI tin rằng các DNNN có nhiều đặc quyền và đặc lợi hơn. Nhóm nghiên cứu khuyến cáo, bên cạnh các nỗ lực đẩy mạnh cổ phần hoá và giảm bớt những đặc quyền ưu đãi, cần hạn chế DNNN hoạt động ngoài lĩnh vực chuyên ngành của họ để không lấn sân sang DN FDI và cả các DN dân doanh trong nước.
Việc tiếp cận thông tin cũng là một vấn đề mà DN FDI chưa hài lòng. Khi được yêu cầu đánh giá về khả năng dự đoán những thay đổi trong quy định pháp luật trung ương và thực thi của địa phương, kết quả cho thấy chỉ tiêu này hầu như không thay đổi theo thời gian kể từ năm 2010. Cụ thể là khả năng dự đoán được những thay đổi chính sách của trung ương đạt điểm trung bình từ 2-2,4/5 điểm; trong khi việc thực thi ở cấp địa phương còn thấp hơn ở mức 1,8-2,1/5 điểm. Bằng chứng này cho thấy tính minh bạch của môi trường chính sách tuy có tăng theo thời gian song không có nhiều cải thiện lớn.
Cuối cùng, khảo sát PCI đã cho thấy một hiện trạng “vui buồn lẫn lộn” khi đánh giá trải nghiệm về tham nhũng của các DN FDI. Điều vui là cảm nhận của các DN FDI cho thấy, trong năm vừa qua một số loại tham nhũng vặt có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đáng buồn là dường như chính các DN FDI lại đang quen với việc “sống chung với tham nhũng” và không coi đó là vấn đề lớn.
Bằng chứng là 45% DN đã đưa quà và các chi phí không chính thức trong đợt thanh, kiểm tra trong năm 2016. Tuy nhiên trong số này, chỉ 8% DN cho biết bị cán bộ thanh, kiểm tra đòi hỏi. Tỷ lệ này nhỏ hơn 5 lần so với tỷ lệ DN chủ động đưa biếu là 44%. Và có tới 59% DN tin rằng hành vi này là phổ biến, “luật bất thành văn” và chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi.
Khi được hỏi về mục đích lớn nhất khi đưa hối lộ, gần 80% DN trả lời là nhằm tạo lập mối quan hệ. DN chọn phương án này coi khoản chi này như một “hợp đồng bảo hiểm”, có thể giúp họ giải quyết những vụ việc nảy sinh trong tương lai. Sự phổ biến của hoạt động này chỉ ra mức độ nghiêm trọng của tham nhũng ở Việt Nam, cho thấy hối lộ đã trở nên quá phổ biến tới mức thậm chí 2 bên không cần phải trao đổi với nhau.