Thu hút FDI, Việt Nam cần nhiều cải thiện hơn
Cơ hội thu hút FDI vào năng lượng xanh | |
Chuyển dịch dòng vốn và lưu ý cho Việt Nam | |
Thu hút FDI: Sau thảm đỏ, cờ hoa là gì?! |
Bức tranh FDI khả quan
Nhìn lại diễn biến kinh tế quý I vừa qua, một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam là việc thu hút vốn FDI tiếp tục tích cực. FDI tăng mạnh, với mức đăng ký đạt 7,71 tỷ USD tăng 77,6% (bao gồm cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần của NĐT nước ngoài), trong khi vốn thực hiện cũng có sự cải thiện nhẹ, đạt 3,62 tỷ USD tương đương tăng 3,4% so với cùng kỳ 2016.
Môi trường đầu tư cải thiện là cơ sở để DN FDI tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến |
Diễn biến tình hình thu hút FDI cho thấy sự phù hợp cao với các dự báo, điều tra gần đây của các tổ chức trong và ngoài nước. Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết có tới 64% DN Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng. DN Nhật Bản vẫn nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng cao và cơ hội tăng doanh thu khi mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Trong khi đó, điều tra DN FDI năm 2016 của VCCI cho biết những cải cách mạnh mẽ gần đây đã gặt hái được thành quả và giúp gia tăng sự lạc quan và triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh lớn hơn của các DN FDI. Chi phí giao dịch để một DN FDI chính thức đi vào hoạt động ở Việt Nam đã giảm xuống mức kỷ lục và 91% các DN mới đăng ký theo Luật Đầu tư mới đã được cấp phép đầu tư và đi vào hoạt động trong vòng 3 tháng… “Đây là những con số rất tích cực khi môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được cải thiện” - GS.TS. Edmund Malesky Đại học Duke, Hoa Kỳ nhận định.
GS.TS. Edmund Malesky cũng cho biết, tỷ lệ thu hút vốn FDI trên GDP của Việt Nam hiện nay đạt 4,3%, đứng thứ 6 trên thế giới, qua đó cho thấy khả năng thu hút FDI của Việt Nam đang rất tốt so với các nước khác. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa FDI cam kết với FDI giải ngân và thực hiện ngày càng gần lại cũng cho thấy niềm tin của các NĐT nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng tăng.
“Các NĐT nước ngoài không chỉ cam kết mang vốn đầu tư tới Việt Nam mà họ còn thực sự thực hiện các kế hoạch của họ. Chúng ta thấy điều này khi giải ngân FDI đang tăng lên theo thời gian” - GS.TS. Edmund Malesky nói.
Còn bất cập là còn phải khắc phục
Tuy nhiên, để khai thác tốt hơn tiềm năng thu hút đầu tư thì còn nhiều việc cần làm. Bởi theo điều tra DN FDI trên, hiện môi trường chính sách vẫn có nhiều ưu đãi đối với DNNN nên đây có thể xem tiếp tục là một trở ngại. Các quy định hậu đăng ký vẫn còn nhiều phiền hà và một số DN cho biết vẫn bị thanh tra, kiểm tra quá mức. Dù chi phí gia nhập thị trường giảm mạnh và nạn “tham nhũng vặt” đã giảm bớt nhưng vẫn có nhiều DN “chủ động biếu quà hối lộ” và coi các khoản chi phí này như một “hợp đồng bảo hiểm” để giúp họ tránh bị nhũng nhiễu và “được việc” trong tương lai. Đây là những thực tiễn kinh doanh không tốt và cần được xóa bỏ trong thời gian tới.
Trước câu hỏi của phóng viên về những vấn đề thách thức, khó khăn chính mà các thành viên của Eurocham đang gặp phải trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là gì, ông Antoine Logeay, Phó chủ tịch Tiểu ban Pháp luật của Eurocham cho biết: Các quy định không phải lúc nào cũng được áp dụng giống nhau ở tất cả các tỉnh, đặc biệt là các quy định liên quan đến quá trình cấp phép đang là một vấn đề hiện nay. Nhiều tỉnh chỉ yêu cầu một bản sao tài liệu có chứng thực thì một số tỉnh lại yêu cầu phải có bản sao "hợp pháp hóa".
“Việc cấp phép có thể mất tới 3 tuần, thậm chí kéo dài hơn. Và điều này có thể xảy ra khi có một sự thay đổi đơn giản trong giấy phép, chẳng hạn như việc thay đổi Tổng giám đốc. Trong khi để thực sự tạo điều kiện kinh doanh tốt thì điều này chỉ mất vài ngày” - ông Antoine Logeay nói.
Tình trạng các cơ quan cấp phép, đặc biệt ở cấp tỉnh, đôi khi ít phản hồi và chậm so với mong đợi của các DN FDI cũng là một vấn đề được chuyên gia này đặt ra. “Một vài thành viên của chúng tôi cho biết đang phải đối mặt với trường hợp phải mất hơn 5 tháng để xử lý đơn đăng ký sửa đổi đơn giản đối với giấy phép (trong ngành kinh doanh có điều kiện) với lý do đưa ra không chính đáng. Trường hợp này có thể là hiếm gặp nhưng chúng tôi tin rằng, đó là minh chứng cho thấy cần phải nỗ lực hơn để cải thiện quá trình cấp phép” – ông Antoine Logeay cho biết.
Cũng theo ông Antoine Logeay, để duy trì mức độ hấp dẫn đối với FDI, đặc biệt khi đặt trong sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của các nước ASEAN khác thì những vấn đề như đề cập ở trên cần được giải quyết. Ông khuyến nghị, cần đảm bảo rằng các cán bộ, công chức nhà nước làm việc với tinh thần hỗ trợ cao nhất cho các DN. Cần cập nhật thường xuyên pháp luật và các quy định cho các DN. Các quyết định tư pháp đưa ra cũng cần phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế bởi điều này sẽ mang lại khả năng dự báo cho các NĐT khi làm ăn tại Việt Nam.
Ông Kim Eng Tan, Giám đốc cấp cao tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P khuyến nghị tăng cường sự ổn định và tính dễ dự báo của chính sách - đây là một trong những yếu tố quan trọng để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững cũng như sẽ giúp các NĐT nước ngoài có cái nhìn tích cực hơn và chọn Việt Nam là điểm đến.