Thu nhập tăng khiến người tiêu dùng Việt chi mạnh tay hơn
Tới năm năm 2020, quy mô dân số có thu nhập trung bình của Việt Nam sẽ tăng lên 33 triệu người, gần gấp 3 lần so với con số từ 12 triệu người năm 2014 |
Theo Nielsen, tới năm năm 2020, quy mô dân số có thu nhập trung bình của Việt Nam sẽ tăng lên gần gấp 3 lần, từ 12 triệu người năm 2014 lên 33 triệu năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, với mức lương mỗi tháng năm 2012 cao hơn 44% so với năm 2010. Thu nhập tăng cũng khiến người Việt mạnh tay hơn trong chi tiêu. Theo đó năm 2012 chi tiêu hàng tháng của mỗi người Việt cao hơn 32% so với 2 năm trước đó.
Về xu hướng tiêu dùng, Nielsen cho biết, chất lượng sản phẩm đóng một vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng Việt. Theo khảo sát, 73% số người được hỏi đồng ý sẽ trả giá cao hơn cho một sản phẩm với chất lượng tốt hơn. Đối với sức khỏe, xấp xỉ 40% người tiêu dùng cho rằng đây chính là yếu tố hàng đầu trong cuộc sống.
Cũng theo Nielsen, con cái, sức khỏe và nhà ở chính là 3 nguyên nhân chính để người Việt tiết kiệm. Cụ thể, 34% người Việt tiết kiệm cho tương lai con em mình, 12% tiết kiệm để chuẩn bị, giải quyết những vấn đề sức khỏe; và 11% tiết kiệm để mua nhà (lần đầu).
Sự tiện lợi cũng ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng Việt. Hiện lượng khách hàng lựa chọn siêu thị ngày càng tăng hiện đã lên tới 42%. Trong khi đối với sinh viên và nhân viên văn phòng, sự tiện lợi đóng vai trò quyết định khi 23% sinh viên và 36% nhân viên văn phòng mua sắm tại cửa hàng bách hóa.
Mặc dù vậy, chợ và những cửa hàng truyền thống vẫn chiếm số đông. Hơn 80% doanh thu các sản phẩm tiêu dùng nhanh đến từ khoảng 1,3 triệu cửa hàng loại này.
Công nghệ phát triển nhanh mang lại nhiều cơ hội cho người Việt để giao tiếp và kết nối. Điện thoại thông minh đang bùng phát tại Việt Nam. Trung bình, cứ hai người Việt thì gần một người sở hữu một thiết bị này. Hiện có 62% người Việt xem các chương trình qua máy tính, 30% xem qua điện thoại di động và 26% qua máy tính bảng.
Sự bùng nổ di động kéo theo một cuộc cách mạng đang diễn ra trên thị trường bán lẻ. Cứ 3 người Việt thì một người có nhu cầu mua sắm trực tuyến, do nhận được nhiều tiện lợi từ kênh bán lẻ này.