Thủ tục thuế - hải quan: Cải tiến đã đủ mạnh?
Cải cách thủ tục thuế - hải quan của Việt Nam có thực sự mạnh mẽ hay không vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, bởi kết quả đánh giá thời gian qua rất khác nhau giữa các cơ quan, tổ chức.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã công bố Báo cáo môi trường kinh doanh 2016, trong đó ghi nhận chỉ số nộp thuế ở Việt Nam mới giảm 102 giờ, trong khi ngành thuế công bố tổng cộng đã giảm tới 420 giờ.
DN “khóc dở mếu dở” vì nhiều thủ tục liên quan đến thuế - hải quan |
Những phiền hà không đáng có
Ngay sau khi Báo cáo môi trường kinh doanh 2016 được phát đi, Bộ Tài chính đã ra thông cáo giải thích, sở dĩ kết quả Báo cáo của WB - IFC cách xa con số của cơ quan này là bởi các chỉ số thời gian căn cứ để tính toán được thực hiện trong năm 2014.
Chưa rõ lý giải của Bộ Tài chính có thực sự đúng với dữ liệu thu thập của WB - IFC hay không, song những ý kiến phản ánh nóng hổi, trực tiếp của cộng đồng DN tại Hội nghị Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan năm 2015, do Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 29/10, đã phần nào cho thấy đánh giá khách quan từ những người trực tiếp thực hiện các thủ tục này.
“Mấy năm trở lại đây, chúng tôi thực sự rất mệt mỏi, vất vả với quy định kiểm tra chuyên ngành của hàng hoá xuất nhập khẩu”, bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng An Đô - DN chuyên nhập khẩu và sản xuất hàng dệt may - than thở. Không chỉ phát sinh thêm thủ tục, chi phí, quy định được áp dụng từ năm 2009 đến nay đã tiêu tốn của DN không ít thời gian cũng như phiền hà không đáng có.
Bà Tú Anh cho biết, mỗi năm DN mất từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng cho việc tuân thủ các quy định này, riêng trong 9 tháng năm 2015, DN đã nộp chi phí trực tiếp là 620 triệu đồng, chưa kể chi phí tuyển dụng thêm 1 nhân viên chỉ chuyên thực hiện giấy tờ kiểm tra chuyên ngành. Ngoài ra, với mỗi chuyến hàng chi phí bến bãi để lưu hàng lại trong thời gian chờ hoàn thành thủ tục lên đến 5 triệu đồng/ngày.
Điều vô lý là, theo DN này, mỗi ngày nhập khẩu vải có tới 5-7 mẫu phải kiểm tra chất lượng, có ngày tới 10 mẫu. Song các mẫu đó cứ lặp đi, lặp lại y chang mà việc kiểm tra vẫn diễn ra thường xuyên, dù DN chưa từng vi phạm bao giờ.
“Nhập lô hàng có 4 mẫu vải với thuế, phí các loại chỉ vài triệu đồng, trong khi chi phí kiểm tra còn cao hơn, lên tới 8 triệu đồng, là rất vô lý. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần rằng, thời gian kiểm tra nên giãn cách ra hoặc kiểm tra đột xuất, song không được tiếp thu”, bà Tú Anh bức xúc nói.
Thủ tục trên được quy định trong Thông tư 32 của Bộ Công Thương, ban hành năm 2009, khiến hầu hết các DN xuất khẩu hàng dệt may đều “khóc dở mếu dở”. Riêng quy trình kiểm tra hàm lượng formaldehyt với các sản phẩm dệt may và nguyên phụ liệu dệt may đã yêu cầu tới 10 loại chứng nhận, trong đó 7 loại là bắt buộc. Chỉ riêng quy trình này đã chiếm tới 72% trong toàn bộ thủ tục thông quan của lô hàng, khiến DN vô cùng vất vả, chi phí phát sinh cũng vô cùng lớn.
DN vẫn phải qua nhiều cửa
Phía Tổng cục Thuế cho biết không phải thiếu các giải pháp đơn giản hoá thủ tục cho DN, được chính cơ quan này đề xuất và triển khai. Chẳng hạn như đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử được cho rằng đã giúp cho DN không phải gửi tờ khai bằng giấy, không phải đến cơ quan thuế nộp tờ khai, nộp thuế, nhờ đó góp phần giảm số giờ nộp thuế… Tuy nhiên, thực tế theo phản ánh của DN lại không được như vậy.
Đại diện CTCP Thương mại XNK Savico cho biết, 8 bộ, ngành đã có cơ chế một cửa liên thông, nhưng DN vẫn phải tự qua rất nhiều cửa.
Đơn cử như để nhập khẩu sản phẩm thép, theo Thông tư 44 của Bộ Công Thương, DN phải xin chứng minh năng lực sản xuất từ Vụ Công nghiệp nặng của bộ này, sau đó gửi giấy phép về các chi cục hải quan để thông quan lô hàng. Tuy nhiên, hiện nhiều chi cục vẫn đề nghị có giấy phép bản gốc, dẫn đến trường hợp hàng về qua các cửa khẩu khác nhau, nếu chỉ có 1 giấy phép gốc thì DN phải gửi lần lượt, ví dụ từ Lạng Sơn, xuống Hải Phòng rồi lại qua TP. Hồ Chí Minh...
“Như vậy vừa tốn kém thời gian, chi phí, mà lỡ thất lạc thì DN không thể có giấy tờ mà thông quan. Vậy tại sao không tiến hành kiểm soát trên mạng để giảm thiểu rủi ro cho DN?”, vị này đặt câu hỏi.
Lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, những bức xúc nổi bật mà DN phản ánh đều là vấn đề trọng tâm mà Nghị quyết 19/NQ-CP đặt ra, cần giải quyết để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Tuấn đồng tình, trong thông quan hàng hoá hiện nay có rất nhiều thủ tục gây mất thời gian. Hiện trên cả nước có 7 triệu tờ khai, tương đương 7 triệu lô hàng thực hiện thủ tục thuế - hải quan, 38% số này phải chịu kiểm tra về tiêu chuẩn chất lượng. Điều này cho thấy, đây là bức xúc không chỉ của riêng DN nào, hay ngành nào.
Ông Tuấn khẳng định, các thủ tục này là đúng, nhưng so với khu vực và thế giới thì tỷ lệ này là cao. “Điều quan trọng hơn là hiệu quả hiệu lực còn chưa được như yêu cầu của DN. Do đó quy trình, cơ chế thực hiện chưa phù hợp với xu hướng phát triển, vừa tăng thêm chi phí, thời gian của DN mà vẫn không đảm bảo hiệu quả chất lượng”, ông Tuấn thẳng thắn thừa nhận.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, trách nhiệm này không thuộc về riêng ngành thuế hay hải quan. Thực tế cho thấy, các thủ tục gây phiền hà cho DN đang nằm rải rác ở nhiều bộ, ngành khác. Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho cơ quan thuế - hải quan nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành. Đồng thời, kỳ vọng đơn giản hoá thủ tục để giảm số giờ nộp thuế có thể chỉ là mong muốn chủ quan, dựa trên những tính toán bề nổi từ phía cơ quan thuế hay hải quan, nếu sự phối hợp còn thiếu thực chất và đồng bộ.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Bốn hướng cải cách Thời gian qua, ngành thuế và hải quan đã rất tích cực và là những đơn vị đi đầu trong công tác cải cách chính sách và thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… Song thời gian tới việc tiếp tục cải cách để phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách là việc cần phải được tiếp tục thực hiện. Tôi cho rằng, trong chính sách thuế, hải quan sẽ khó tạo ra đột phá, vì nó phải là quá trình, thực hiện dần theo lộ trình cải cách, hội nhập. Nhưng còn thủ tục hành chính trong các lĩnh vực này thì chúng ta hoàn toàn có thể trông chờ có đột phá. Nghị quyết 19 đã chỉ ra cách làm như vậy và cộng đồng DN hy vọng thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đi đầu trong lĩnh vực này. Vì vậy, tôi hy vọng sẽ có cuộc cách mạng diễn ra trong công tác hành chính thuế, đặc biệt là trong thu thuế, ứng dụng công nghệ thông tin. Chính việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sẽ đảm bảo quá trình đó được thực hiện nhanh chóng, công bằng, minh bạch, giảm thiểu tham nhũng… Bên cạnh đó, bước chuyển biến khác là xã hội hoá một số việc như kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn… để có thể giao cho tư nhân thực hiện. Trường hợp Nhà nước vẫn tham gia thì cũng có thể khuyến khích tư nhân đầu tư, Nhà nước thuê thiết bị của tư nhân… Cho nên, 4 hướng chủ yếu để thực hiện cuộc cách mạng thuế, hải quan thời gian tới là đơn giản hoá thủ tục; điện tử hoá giao dịch; xã hội hoá dịch vụ công; tăng cường sự kiểm soát của người dân, DN với việc thực hiện các thủ tục hành chính. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính: Sẽ sửa đổi linh hoạt Chính phủ đã yêu cầu và Bộ Tài chính sắp tới tập trung sửa đổi linh hoạt một số cơ chế, chính sách để đáp ứng kịp thời yêu cầu của DN. Chẳng hạn với thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nếu hàng hoá đó đến một quốc gia ít rủi ro, ví dụ các nước thuộc khối G7, thì chúng ta chấp nhận kiểm tra sau để DN kịp thời thực hiện thủ tục cho đảm bảo yêu cầu về thời gian. Hoặc chúng tôi cũng đồng tình là với những hàng hoá nhập khẩu trực tiếp, chẳng hạn các sản phẩm mà trong nước chưa sản xuất được, để phục vụ sản xuất, chế tạo thì cũng giảm tần suất kiểm tra để thuận lợi hơn cho DN. Phương thức khác là đầu tư phương tiện, con người với cơ chế sửa đổi làm sao thuận lợi nhất cho DN. Bên cạnh đó, Luật Phí, lệ phí lần này cũng phải tiếp thu, đáp ứng yêu cầu DN. Hiện nay, lệ phí quản lý, phí dịch vụ công mang tính hình thức cũng là vấn đề cản trở hiệu quả thủ tục thuế, hải quan. Ví dụ, phí vào bến bãi kiểm dịch chỉ nên thu khi có dấu hiệu của dịch bệnh, tránh tốn kém thời gian, chi phí. Hoặc như lệ phí hải quan hiện nay chỉ có 20.000 đồng/tờ khai cũng là chưa hợp lý, vì 1 tờ khai có thể lên tới 200 container, cán bộ thực hiện rất mất thời gian. Nếu lệ phí quy định như vậy sẽ làm mất động lực làm việc của cán bộ. |