Thủ tướng và 4 tư lệnh ngành sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội
Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) | |
Cán bộ, công chức đã nghỉ hưu vẫn bị xử lý nếu bị tố cáo | |
Hoàn thiện các quy định, xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính |
Theo kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV thì nhóm vấn đề lĩnh vực tài chính có tỷ lệ cao nhất với 88,7% ý kiến đại biểu Quốc hội chọn nhóm vấn đề này để chất vấn. Đại biểu Quốc hội thể hiện rõ sự nóng lòng muốn biết cụ thể hơn nữa về ngân sách Nhà nước qua phiên chất vấn người đứng đầu ngành tài chính.
Đứng thứ hai là nhóm vấn đề về lĩnh vực thông tin và truyền thông với 85,1% đại biểu lựa chọn. Nhóm vấn đề lĩnh vực ngân hàng có tỷ lệ 77,8% và đứng thứ 4 là nhóm vấn đề về lĩnh vực tòa án nhân dân với tỷ lệ 75,6%.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Như vậy, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trả lời chất vấn về công tác quản lý thuế, giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, đảm bảo nền tài chính an toàn bền vững, quản lý nợ công hiệu quả.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn nhóm vấn đề về điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động của ngân hàng yếu kém và giải pháp an toàn cho cả hệ thống ngân hàng...
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn nhóm vấn đề về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, quản lý báo chí, các giải pháp kiểm soát thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn nhóm vấn đề về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhân sự, hành chính nâng cao năng lực công chức ngành toà án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp...
Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, có một số ý kiến đề nghị chất vấn về những vấn đề liên quan đến cổ phần hóa DNNN quản lý vốn ODA. UBTVQH nhận thấy, đây đều là những vấn đề được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm nhưng theo chương trình giám sát của Quốc hội, năm 2018, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”; UBTVQH sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016” đã bao gồm các nội dung liên quan đến nhóm vấn đề này, do vậy, không đưa các nội dung này vào nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 4.
“Trong quá trình xin ý kiến về các nhóm vấn đề, có một số Đoàn đại biểu đề nghị chất vấn về lĩnh vực y tế, các dự án BOT… Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa trả lời chất vấn trước tại Kỳ họp thứ 3. Quốc hội đã có nghị quyết liên quan đến khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý giá thuốc, chất lượng khám chữa bệnh, tái cơ cấu ngành. Tuy nhiên, trong quá trình chất vấn, các thành viên Chính phủ vẫn sẽ trả lời làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm.
Về các dự án BOT, ông Phúc cho biết, vừa qua UBTVQH đã giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT”. Sau giám sát, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ và giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập trong đầu tư các công trình giao thông theo hình thức này. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai thực hiện Nghị quyết của UBTVQH. Mặt khác, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa được Quốc hội phê chuẩn tại Kỳ họp này nên cần thời gian tìm hiểu, cập nhật các công việc, nhiệm vụ của ngành.
Theo chương trình kỳ họp, các phiên chất vấn sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 16-18/11. Tại phiên chất vấn dành cho các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng có liên quan cũng sẽ tham gia giải trình thêm các nội dung được đại biểu Quốc hội đặt ra. Quốc hội sẽ dành thời gian nửa ngày cuối cùng của chương trình chất vấn để Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời về các nội dung chất vấn chung của đại biểu.