Thương hiệu BCI đã đuối sức?
Ảnh minh họa |
Rõ ràng, đây là kế hoạch tăng trưởng “dưới sức” đối với BCI. Dù công ty hiện chỉ có 2 dự án đang chính thức kinh doanh là Western Dragon và KDC Phong Phú 4, nhưng một số dự án khác như KCN Lê Minh Xuân mở rộng và Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân cũng có khả năng triển khai nhanh để kinh doanh và ghi nhận doanh thu trong năm nay. Đó là chưa kể khả năng chuyển nhượng một số dự án nhỏ và ghi nhận tiếp doanh thu từ việc quyết toán phần đất tái định cư tại KDC Phong Phú 4.
Tuy nhiên, nhìn lại năm 2015, doanh thu kinh doanh BĐS của BCI đạt 338 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với 2014 cho thấy tiềm lực của BCI vẫn còn. Trong đó có sự đóng góp lớn từ việc bàn giao các nền tái định cư tại KDC Phong Phú 4 (khoảng 170 tỷ đồng), và việc chuyển nhượng dự án Nhất Lan 5 ( khoảng 42 tỷ đồng), cộng với việc kinh doanh một phần Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân (khoảng 32 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, khoản thu nhập khác gần 100 tỷ đồng từ việc thanh lý lô đất trên Đại lộ Đông Tây thuộc dự án Nam Hùng Vương cũng đóng góp phần quan trọng trong LNST năm vừa qua.
Theo tính toán, KQKD của BCI năm nay sẽ đến từ 3 nguồn chính: kinh doanh đất nền và quyết toán phần đất tái định cư tại dự án Phong Phú 4; hoạt động cho thuê đất tại KCN Lê Minh Xuân mở rộng và khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân; và việc chuyển nhượng dự án 510 Kinh Dương Vương (8.800m2) và 158 An Dương Vương (1.900m2). Trong đó, ước tính, với mức giá thị trường hiện nay, việc chuyển nhượng khu đất số 510 Kinh Dương Vương và 158 An Dương Vương, nếu thành công, có thể đem lại doanh thu hơn 400 tỷ đồng. Nếu khả năng ghi nhận doanh thu từ các dự án khác đều nằm trong tay và có thể giúp BCI hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2016, thì hai giao dịch này có thể tạo ra yếu tố đột biến trong lợi nhuận thực hiện năm nay.
Liên quan đến kế hoạch tăng vốn lên 1.200 tỷ đồng được thông qua trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2015, BCI cho biết hiện chưa tìm được đối tác chiến lược. Bên cạnh đó, yêu cầu giá phát hành cao hơn giá thị trường 20% cũng đặt ra một số khó khăn đối với kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu của BCI.
Ước tính BCI sẽ cần tổng cộng khoảng 3.000 tỷ đồng để hoàn tất việc đền bù, giải phóng mặt bằng tại các dự án: Corona City (KDC 11A), KCN Lê Minh Xuân mở rộng, KDC Phong Phú 4 và KCD Phong Phú 2. Do vậy, việc phát hành cổ phiếu lần này là nguồn vốn bổ sung rất cần thiết đối với BCI về dài hạn. Trong ngắn hạn, khi kế hoạch tăng vốn chưa hoàn tất, BCI chỉ có thể huy động vốn vay để thực hiện các dự án hiện tại.
Suy cho cùng, với lợi thế về quỹ đất cũng như thay đổi tích cực trong định hướng kinh doanh của BCI, đặc biệt là sau khi có sự tham gia của KDH với tư cách cổ đông chi phối, có thể những triển vọng tích cực về KQKD của DN. Thời điểm này, NĐT có thể quan tâm nhiều đến khả năng cân đối dòng tiền để triển khai các dự án BĐS của BCI hơn là lợi nhuận kế toán của DN.