Internet làm thay đổi ngành tài chính-ngân hàng
Để phát triển dịch vụ NH hiện đại | |
Chủ động ứng phó với tội phạm công nghệ | |
Ngân hàng điện tử: An toàn vẫn là con người |
Các chuyên gia bán lẻ của Shoptalk cho rằng: Con người vẫn có xu hướng chuộng mua sắm tại các cửa hàng, với những dịch vụ mà mua sắm trực tuyến không thể mang lại. Đơn cử như cảm nhận được “sờ tận tay” mới thấy đã. Ngay cả khi ngành ship đồ ăn đến tận nhà phát triển, các quán ăn vẫn tấp nập người đến và thưởng thức. Đơn giản là vì chúng ta đến nơi có người, chứ không đơn thuần vì sản phẩm được phục vụ “tận miệng”!
Từ tác động của CMCN 4.0
Thực tế, để phục vụ đa dạng khách hàng, một mặt, nhà bán lẻ sẽ tăng cường sử dụng dịch vụ kỹ thuật số trong giao dịch. Mặt khác, trải nghiệm thực cũng buộc phải tính đến. Hãy xem việc lựa chọn thực phẩm tươi sống khi người tiêu dùng luôn thích đến cửa hàng để có thể chạm, ngửi…
Các cửa hàng cũng tập trung để cung cấp những trải nghiệm ngày một độc đáo hơn như thiết kế quầy kệ, gian hàng… thế nào để khách hàng có cảm giác như đang bước vào công viên. Xúc cảm này là điều mà các gian hàng trực tuyến “chào thua”. Cuộc sống hiện đại, tiện nghi rất cần sự thuận tiện, nhưng đôi khi ranh giới giữa thuận tiện và trải nghiệm cứ đan xen nhau.
Công nghệ trở thành cầu nối hiệu quả, đưa tài chính đến gần với người tiêu dùng hơn |
Cũng là một thực tế, thương mại điện tử (TMĐT) dường như chưa có chỗ đứng vững chãi so với bán lẻ truyền thống tại thị trường Việt Nam. Con số do Hiệp hội TMĐT công bố: ước tính tổng doanh thu TMĐT năm 2016 đạt 5 tỷ USD, chiếm chưa đến 3% tổng thị trường bán lẻ. Và Hà Nội và TP.HCM vẫn là đầu tàu, đóng góp đến 70% doanh thu.
Mặc dù Việt Nam thuộc top các quốc gia có số người dùng Internet lớn trên thế giới, nhưng mức thu nhập thấp và thói quen thanh toán truyền thống chậm thay đổi đã hạn chế tăng trưởng của ngành TMĐT, một chuyên gia bán lẻ lý giải. Trong khi ở Trung Quốc, hiện 95% người sử dụng internet mua sắm qua thiết bị di động, đưa thanh toán di động đạt 38.000 tỷ CNY (5.500 tỷ USD) trong năm 2016, gấp hơn 5 lần thị trường Mỹ.
TMĐT kém sôi động cũng khiến thanh toán kỹ thuật số bị ảnh hưởng. Trong khi các ngân hàng đang nỗ lực ứng dụng điều này để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, thì nhiều Fintech đã nhanh chân chiếm lĩnh thị trường cùng với các công ty tài chính tiêu dùng.
Theo quan điểm của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đưa ra tại diễn đàn “Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 – Được và mất” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, Việt Nam vẫn có thể bắt kịp và đi trước trong cuộc CMCN 4.0, khi có những sáng tạo và dựa trên lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Theo cách diễn giải của ông, nếu nhìn đây là cuộc cách mạng của các DN lớn, của những người có nhiều tiền của, các “đại gia” thì sẽ thất bại. Nhưng nếu coi đây là cuộc cách mạng của toàn dân sẽ là lợi thế của Việt Nam.
Làm chuyển biến ngành Ngân hàng
Ngành ngân hàng cũng đang hưởng lợi khi các khách hàng ngày càng sử dụng nhiều phương tiện di động để tiếp cận dịch vụ. Điều này đang làm thay đổi ngành tài chính – ngân hàng. Đó là ngân hàng không nhân viên như K-Bank (tại Hàn Quốc) và ngân hàng tự động LiveBank (TPBank) tại Việt Nam cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch trên mạng với chi phí rẻ hơn vài chục lần so với truyền thống. “Nhờ tiệm cận CMCN 4.0 nên khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ tốt, lãi suất thấp hơn. Đó là lợi thế mà các ngân hàng đều phải hướng đến”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank) chia sẻ.
TPBank tại Việt Nam cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch trên mạng với chi phí rẻ hơn |
Các ngân hàng thường ưa thích cho vay những DN lớn. Việc thiếu một hệ thống có khả năng đánh giá rủi ro tín dụng tiêu dùng càng khiến họ ngại cho vay cá nhân. Các công ty Fintech đã bắt đầu lấp vào khoảng trống này. Fintech đang chứng minh được là dùng ví điện tử sẽ tiện hơn nhiều so với dùng tiền mặt. Việc công nghệ và hạ tầng thông tin ngày càng phát triển càng hỗ trợ đắc lực cho phát triển thanh toán qua mạng.
Trước xu thế này, NHNN đã quyết định lập Ban chỉ đạo về Fintech. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh hoạt động trong lĩnh vực kết hợp giữa công nghệ và tài chính đang diễn ra sôi động tại Việt Nam những năm qua, đòi hỏi hành lang pháp lý cũng như các chính sách tạo điều kiện cho các ngân hàng, DN... phát triển. Với mục tiêu đó, Ban chỉ đạo sẽ có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thống đốc các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, kể cả khuôn khổ pháp lý cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho các DN Fintech ở Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều các Fintech báo hiệu sự nhập cuộc của nhiều công ty đa quốc gia siêu nhỏ, những công ty khởi nghiệp bắt đầu chỉ 3 – 5 nhân viên nhưng đã có bạn hàng trên toàn thế giới đang dần hiện hữu. Tình hình này buộc các NHTM phải có nhiều động thái tích cực để thu hút thêm khách hàng, tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành tài chính. Các ngân hàng trực tuyến phải chuẩn bị các loại hình dịch vụ khác biệt hoàn toàn với truyền thống.
Ngoài ra, sứ mệnh quan trọng của các ngân hàng trực tuyến là phải tạo niềm tin vững chắc với khách hàng về độ an toàn trong khi sử dụng các dịch vụ. Vô hình trung, Fintech và công ty tài chính tiêu dùng trở thành đối trọng quan trọng “thúc” các NHTM phải tái cơ cấu mạnh mẽ, triệt để nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi. Nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, các ngân hàng nên hợp tác với công ty Fintech để cùng tối ưu hóa dịch vụ mình đang cung cấp.