Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng
Hôm nay (24/10), Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình KT-XH | |
Dự báo năm 2017 sẽ đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra | |
Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ |
Trong phiên thảo luận ở tổ sáng nay (24/10) về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán Ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, nhiều đại biểu đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội trong năm 2017.
Các đại biểu ghi nhận về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được thực thi đúng hướng và phù hợp với diễn biến thị trường, nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo của Chính phủ, cả 13 chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội đều dự kiến đạt và vượt so với kế hoạch, đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết tâm, cố gắng rất lớn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2017 đã có chuyển biến rõ nét trong công tác phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, giúp giải quyết tích cực nhiều vấn đề còn yếu kém, trì trệ trước đây trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và phòng, chống tham nhũng.
Đặc biệt, nhiều đại biểu đánh giá cao việc lần đầu tiên Chính phủ giữ được bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) theo kế hoạch và có thể thấp hơn. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, kết quả này thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và sự giám sát của Quốc hội để kéo giảm bội chi NSNN, giữ an toàn nợ công. "Khi giảm bội chi NSNN thì áp lực cầu vốn trên thị trường sẽ giảm và tạo điều kiện hạ lãi suất vay trên thị trường. Khi hạ lãi suất được thì mới thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Ngân nói..
Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, giải quyết yếu kém của một số doanh nghiệp Nhà nước còn chậm; việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu còn hạn chế; chất lượng đầu tư công chưa cao. Chất lượng tăng trưởng cũng chưa được cải thiện, chỉ số thu nhập quốc dân (GNI - chỉ tiêu đo thực lực của quốc gia) ngày càng giảm, tăng xuất khẩu vẫn phụ thuộc phần lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thiếu tính bền vững; tăng trưởng của năng suất lao động chủ yếu dựa vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; chất lượng cuộc sống người dân có cải thiện nhưng chưa rõ ràng...
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng bày tỏ, sau 10 năm tăng trưởng năm nào cũng không đạt kế hoạch đề ra, năm nay có được kết quả như vậy thì vui lắm chứ, phấn khởi lắm chứ, số liệu đẹp đúng như mong muốn. Nhưng càng nhìn sâu vào kết quả này càng thấy thêm lo lắng và làm thế nào để có sự phát triển bền vững cho nền kinh tế vẫn là câu chuyện dài.
Còn theo thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng, thách thức từ thiên nhiên ngày càng quyết liệt hơn trong khi thách thức nội tại rất lớn. "Nếu nhìn kỹ thì sự phát triển vừa qua phần nhiều là ở đầu tư nước ngoài", ông Vượng nói, “đây là vấn đề cần hết sức chú ý, vì về lâu dài nếu phát triển chỉ dựa vào FDI thì chưa phải là tốt. Nội lực kinh tế của đất nước mới là quan trọng, đầu tư nước ngoài chỉ bổ sung cho nội lực phát triển. Nếu không có nội lực, SamSung rút đi, không còn gì của mình”
Trưởng ban đối ngoại Hoàng Bình Quân cũng nhận xét, “Samsung hắt hơi thì nền kinh tế Việt điêu đứng. Nền kinh tế quá phụ thuộc vào FDI sẽ không bền vững”.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng tỏ ra băn khoăn với việc tốc độ tăng trưởng cao khi cho rằng, mục tiêu đề ra là để GDP đạt 6,7% thì tổng mức đầu tư toàn xã hội là 31% nhưng tổng mức đầu tư toàn xã hội trong 9 tháng qua đã lên tới 33,9%, tức là chỉ số ICOR tăng lên, hiệu quả đầu tư thấp đi. “Quan điểm của tôi là, tăng trưởng kinh tế phải ổn định, bền vững, đi vào thực chất. Đó mới là vấn đề quan trọng nhất chứ không phải là những con số thống kê nay có thể thấp, mai có thể cao”, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Một số đại biểu khác thì cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt hơn với tham nhũng, lãng phí. “Đầu năm chúng ta phát hành 142 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhưng giải ngân chỉ khoảng 70%, trong khi chúng ta phải trả lãi cho khoản này với mức không thấp, khoảng 6,1%/năm. Như vậy đây là một trong những khoản gây lãng phí lớn cho NSNN.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Báo cáo tăng trưởng là thực chất Phát biểu ở tổ về các nội dung tăng trưởng kinh tế được dư luận và cử tri quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội đã phân tích rất rõ. Cùng với các báo cáo của Chính phủ, còn có tài liệu của các tổ chức nghiên cứu độc lập phân tích về động lực tăng trưởng. Không phải cứ muốn là chúng ta có thể tùy ý làm đẹp các con số Theo Phó Thủ tướng, đúng là đang có rất nhiều ý kiến đặt ra về tăng trưởng, như tăng trưởng của Việt Nam chạy theo tăng khai thác dầu thô, chạy theo tăng tín dụng… Quý I, II thấp, quý III lại đột nhiên tăng cao. Thứ nhất, nói chạy theo khai thác dầu thô để có tăng trưởng là không phải. Công nghiệp khai khoáng 9 tháng đầu năm giảm 8,08% nên không có việc tăng trưởng dựa vào dầu thô. Khai thác dầu thô năm 2017, kế hoạch chỉ là 13,28 triệu tấn thôi, so với năm 2016 giảm 3 triệu tấn còn nếu so với năm 2015 thì giảm 4,54 triệu tấn, là mức giảm sâu. Theo tính toán cứ mỗi 1 triệu tấn dầu thô giảm đi thì GDP giảm 0,25%. Như vậy, giảm 3 triệu tấn, thì làm giảm GDP 0,75%. Nếu tăng khai thác như năm 2015 thì GDP của chúng ta còn có thể đạt mức 7% chứ không chỉ như mục tiêu đã đề ra. Thứ 2, về tín dụng, 9 tháng năm nay tín dụng tăng 12%, tương tự mức tăng 9 tháng năm ngoái, mà chúng ta vẫn có tăng trưởng cao hơn năm ngoái, nên nếu nói tăng trưởng dựa vào tín dụng là không phải. Giải trình thêm về câu hỏi không dựa vào dầu thô, tín dụng thì động lực tăng trưởng dựa vào đâu, Phó Thủ tướng cho biết: Báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội cũng đã phân tích rất rõ. Cùng với các báo cáo của Chính phủ còn có tài liệu của các tổ chức nghiên cứu độc lập phân tích về động lực tăng trưởng. Không phải cứ muốn là chúng ta có thể tùy ý làm đẹp các con số. Nhìn vào kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng qua thì đều có diễn biến rất tích cực. Chẳng hạn, công nghiệp tăng, quan trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rất mạnh, không chỉ bù đắp cho công nghiệp khai khoáng mà còn là động lực để tăng trưởng của quý III và 9 tháng. Sản xuất điện tử linh kiện trong 9 tháng tăng hơn 41%. Nếu tình hình tiếp tục diễn ra như vậy, thì công nghiệp chế tạo dự kiến tăng 13,5%, cao nhất từ năm 2010 trở lại đây. Xây dựng tăng từ 9- 9,5% do đầu tư hạ tầng đô thị và các dự án FDI và cả năm dự kiến đóng góp vào 2,5- 2,6% tăng GDP. Hơn nữa, lệch pha giữa FDI và xuất khẩu đã rút ngắn lại. Dịch vụ năm 2017 bứt phá, tăng trưởng đồng điều ở các tỉnh, trong đó bán buôn bán lẻ tăng cao nhất, du lịch quốc tế tăng mỗi tháng thêm 1 triệu khách du lịch, bình quân mấy tháng gần đây tăng 30% và còn tăng mạnh hơn từ nay tới cuối năm khi có Tết dương lịch, Tết âm lịch, Noel, đặc biệt là vào tuần lễ cấp cao APEC, khách quốc tế vào nước ta nhiều hơn. Đạt được con số thu hút 13 triệu khách là chắc chắn. Riêng du lịch, dịch vụ đóng góp 3,2% điểm tăng trưởng trong tăng trưởng năm nay, hoàn toàn bù đắp được sụt giảm của dầu khí… Giải đáp những băn khoăn về việc Chính phủ đẩy chỉ tiêu tín dụng mấy tháng cuối năm cao vọt lên có thể tạo áp lực đến lạm phát, Phó Thủ tướng cho biết, chỉ tiêu tín dụng Quốc hội không giao mà chỉ là chỉ tiêu định hướng, điều hành tín dụng còn phụ thuộc khả năng hấp thụ của nền kinh tế chứ không nhất quyết phải tăng theo con số đó. Mặt khác, mức tăng tín dụng 20- 21% cũng không phải con số quá cao. Trước đây tín dụng tăng 30- 36% và cao điểm nhất như năm 2009 là tăng 53,9% thì giờ chỉ còn chưa đến một nửa. "Tuy vậy, điều Chính phủ đặc biệt chú ý trong điều hành là tổng mức tín dụng không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Vừa rồi chủ yếu tín dụng chảy vào công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, nhìn chung, dòng tiền đi đúng hướng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. |