Đổi mới công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu
Cửa hẹp không có nghĩa là thiếu cơ hội | |
Giải bài toán thiếu nhân lực ngành cơ khí |
Trên thực tế, các sản phẩm cơ khí trong nước vẫn còn yếu so với các DN cơ khí nước ngoài. Nguyên nhân là điều kiện cơ sở hạ tầng sản xuất còn yếu, chất lượng nguồn nhân lực có tính chuyên môn cao còn thiếu và đặc biệt là hàm lượng công nghệ cao chưa nhiều.
Các DN cần chú trọng đổi mới công nghệ để tăng năng lực trong sản xuất |
Theo các chuyên gia, ngoài việc tự nâng cao về mặt thiết bị, công nghệ trong sản xuất thì việc tiếp thu những công nghệ mới thông qua liên doanh, liên kết với các DN mạnh trong và ngoài nước về thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí là rất cần thiết. Cùng với đó, là đẩy mạnh hợp tác giữa các DN nội địa để cùng tham gia chế tạo, nội địa hóa sản phẩm được tốt hơn.
Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc CTCP Cơ khí và xây lắp công nghiệp (IMECO) cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu ngành cơ khí cần tập trung đổi mới công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng các sản phẩm. Đồng thời phải biết liên kết, hợp tác với các đối tác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, IMECO đã chủ động nắm bắt cơ hội nghiên cứu các yêu cầu sản phẩm theo tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới, để hướng đầu tư nguồn lực như máy móc công nghệ, nguồn nhân lực, quản lý chất lượng...
Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay, khi mà Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội cho DN ngành cơ khí. Do đó đầu tư cho công nghệ mới là yêu cầu cần thiết. Có những sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn nên đã có nhiều khách hàng đến từ nhiều quốc gia cam kết hợp tác lâu dài với IMECO, tạo ra thị trường sản phẩm cơ khí ổn định với doanh thu xuất khẩu cao.
Ông Nguyễn Thành Trung cũng cho rằng, để xuất khẩu bền vững thì DN cũng cần có những hợp tác toàn diện với các đối tác nhập khẩu. Theo đó tổng công ty đã trở thành đối tác tin cậy và là một khâu quan trọng trong chuỗi giá trị công nghệ của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Siemens, Howden, AAF... IMEGO đã hợp tác với các đối tác để chế tạo thành công và xuất khẩu hàng ngàn tấn sản phẩm, thiết bị công nghệ, phụ trợ đối với nhiều ngành công nghiệp khác nhau đi khắp toàn cầu.
Theo đánh giá của Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) thì ngành cơ khí trong nước có tỷ lệ cạnh tranh yếu hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ cho rằng, cần đẩy mạnh sự hợp tác sản xuất giữa các DN cơ khí trong nước, tránh đầu tư trùng lắp để chống lãng phí.
Đặc biệt, tăng cường đầu tư và ứng dụng những thiết bị khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Trong năm 2017 và những năm tới, để thúc đẩy hơn nữa sẽ phát triển của ngành cơ khí, hiệp hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ về thông tin tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm và năng lực sản xuất kinh doanh của các DN thành viên.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền về sản phẩm và năng lực của DN, đặc biệt là tại các hội chợ, triển lãm sẽ giúp các DN có thể nắm bắt thông tin, những DN mạnh, để tìm hiểu máy móc, từ đó hợp tác sâu hơn trong ngành cơ khí, và rộng hơn với quốc tế…
Thời gian qua đã có nhiều DN như VEAM, IMECO… có kế hoạch đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và tiến tới xuất khẩu. Ông Trần Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho biết, thương hiệu máy nông nghiệp, ô tô, công nghiệp phụ trợ của VEAM và các đơn vị thành viên chưa được biết đến nhiều ở thị trường nước ngoài.
Vì vậy để đẩy mạnh cho xuất khẩu, VEAM đã đề ra kế hoạch đổi mới công nghệ, đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Theo đó tổng công ty định hướng đầu tư cho giai đoạn 2016 - 2020 nhằm vào việc đổi mới công nghệ gia công các chi tiết động cơ máy nông nghiệp là các thiết bị CNC của các nước G7 hoặc của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đổi mới công nghệ chế tạo phôi đúc, rèn bằng các dự án đầu tư cho dây chuyền đúc tự động của công ty Đúc VEAM, dự án đầu tư nâng cao chất lượng phôi rèn DISOCO. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2016 - 2020 của Tổng công ty VEAM ước tính hơn 5.695 tỷ đồng nhằm đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất. Trong đó nhằm mục tiêu cho xuất khẩu tiến đến có doanh thu xuất khẩu bằng doanh thu thị trường trong nước sau 5 đến 10 năm.
Theo ông Trần Ngọc Hà, thực hiện chủ trương chung của Bộ Công Thương về đẩy mạnh xuất khẩu về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, Tổng công ty và Ban Xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại đã tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất nhập khẩu bằng việc ký kết và tham gia các hội chợ thương mại quốc tế lớn về máy nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Myanmar, Indonesia. Bên cạnh đó, tổng công ty cũng đã phối hợp, hợp tác, trao đổi thông tin với Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc, Nhật Bản...
Yếu tố quan trọng của việc giữ vững thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu là thông qua các nhà phân phối, đại lý và việc thu thập phản hồi của thị trường xuất khẩu qua khảo sát thị trường. Để từ đó tổng công ty có đủ thông tin để cải tiến chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm tăng khả năng cạnh tranh về chất lượng và mẫu mã cho các thị trường xuất khẩu.
Đây là một trong những điểm mấu chốt có ý nghĩa quyết định trong việc duy trì và tăng tốc mở rộng thị trường để đạt mục tiêu phấn đấu doanh số xuất khẩu bằng doanh số thị trường sau năm 2020 của Tổng công ty VEAM.