Tìm lời giải cho xuất khẩu gạo Việt Nam
Ngành lúa gạo Việt Nam đứng trước giờ G | |
Bộ Công Thương bác bỏ thông tin xin giấy phép xuất khẩu gạo tốn 20.000 USD |
Lao đao cạnh tranh thị trường XK
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu (XK) tháng 3/2017 ước đạt 542 nghìn tấn với giá trị đạt 251 triệu USD, đưa khối lượng XK gạo 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,28 triệu tấn và 566 triệu USD, giảm 18,1% về khối lượng và giảm 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá gạo XK bình quân tháng 2 năm 2017 đạt 426 USD/tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Xuất khẩu lúa gạo đang đứng trước nhiều thách thức |
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là XK sang nhiều thị trường giảm mạnh, nguồn cung thế giới dồi dào trong khi gạo Việt Nam không đủ sức cạnh tranh thị trường XK. Hai tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị XK gạo giảm mạnh là Gana (63,5%), Hồng Kông (43,8%), Malaysia (43,1%), Singapore (34,9%) và Bờ Biển Ngà (15,1%).
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 28/2/2017, đăng ký hợp đồng đạt 1,850 triệu tấn (giảm 17,7%), hợp đồng còn lại chưa giao hàng là 1,170 triệu tấn; tồn kho DN là 977 nghìn tấn (giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2016).
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2017 được dự báo là năm tiếp tục khó khăn và cạnh tranh gay gắt đối với XK gạo của Việt Nam. Năm 2017, dự báo nguồn cung gạo toàn cầu tiếp tục dồi dào trong khi nhu cầu thị trường chưa rõ nét. Bên cạnh đó, kết thúc năm 2016, Thái Lan còn tồn kho 8,39 triệu tấn, chưa kể lượng gạo từ các vụ mới năm 2016. Với mục tiêu giải quyết hết gạo cũ tồn kho quốc gia trong nửa đầu năm 2017, Thái Lan sẽ đẩy mạnh bán ra thông qua các đợt đấu thầu, làm gia tăng cạnh tranh giá.
Ngoài ra, nhiều quốc gia nhập khẩu, trong đó có thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia đang tăng cường năng lực sản xuất trong nước, hướng đến tự chủ về lương thực và thay đổi chính sách nhập khẩu gạo.
Ngoài ra, các nước này cũng tích cực xây dựng hàng rào kỹ thuật và tăng cường kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung thông qua việc tăng cường quan hệ thương mại gạo các nước. Do đó, Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với nhiều nước để giành được thị trường XK.
Cần giải quyết mâu thuẫn trong nội tại
Theo ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới, câu chuyện lúa gạo đang đứng trước những thách thức mà chính chúng ta còn nhiều mâu thuẫn. Cụ thể, về năng lực XK có thể là lớn, nhưng trái lại giá trị và lợi ích cho người trồng lúa lại rất thấp, đây là mâu thuẫn bên trong của ngành lúa gạo.
Ông Hoàng Trọng Thủy cho hay, gạo XK Việt Nam nếu không mở rộng thị trường thương mại mà chỉ lo thực hiện hợp đồng đã ký thì chắc chắn lượng gạo Việt Nam XK năm 2017 sẽ không đạt con số 4,9 triệu tấn như năm trước.
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS. Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm cho rằng, thách thức của ngành gạo là phải làm thế nào để tăng được giá trị từ sản phẩm gạo chứ không phải tăng số lượng. Nhiều DN Việt Nam mới chỉ chú trọng XK gạo theo hợp đồng của Chính phủ. Nếu không thực hiện theo hướng thay đổi thể chế quản lý và chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng quản lý chất lượng và thúc đẩy hợp tác liên kết chuỗi thì gạo Việt khó cạnh tranh và nguy cơ mất thị trường rất cao.
Cũng theo ông Hoàng Trọng Thủy, hiện nay, cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta đã quá chú trọng vào thị trường gạo XK mà bỏ quên mất thị trường nội địa. Liên quan đến vấn đề này phải nhìn nhận ở 2 khía cạnh.
Thứ nhất, là chất lượng gạo của các quốc gia khác là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn, giá thấp hơn, thì rõ ràng thu hút sự lựa chọn của người tiêu dùng. Việc hạt gạo Việt hướng vào nội địa để khai thác thị trường với 93 triệu dân về mặt định hướng là hoàn toàn đúng, tuy nhiên, hiện nay sự tiêu dùng của hai vùng miền về gạo hoàn toàn khác nhau.
Miền Nam là vùng sản xuất chủ lực của Việt Nam nhưng người dân miền Bắc lại chê gạo miền Nam nhạt. Trong khi đó, việc tích tụ đất đai mở rộng sản xuất lại là vấn đề quá khó đối với nông dân miền Bắc. Do đó, đây chính là mâu thuẫn bên trong. Chỉ khi nào DN thay đổi thói quen sản xuất, kinh doanh, cùng tâm lý và thói quen tiêu dùng thay đổi thì sự vận hành của hạt gạo mới có thể đi vào đúng giá trị của nó.
Về phía các DN, nhằm tạo điều kiện cho các DN tham gia liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho nông dân, đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Nam kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tăng cường công tác xúc tiến thương mại vào thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo, nhất là thị trường các nước phát triển, cung cấp thông tin và hướng dẫn các DN về các điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phải đạt được khi XK vào thị trường từng nước (ngoài các đàm phán, quy định cụ thể theo hợp đồng giữa các DN XK gạo của Việt Nam và nước nhập khẩu); đồng thời, hỗ trợ DN khi có phát sinh tranh chấp về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ có chủ trương điều chỉnh chính sách thuế GTGT bán gạo nội địa không qua khâu kinh doanh thương mại từ "chịu thuế GTGT 5%" về "mức 0%" khi DN tổ chức kinh doanh bán gạo trực tiếp cho người tiêu dùng, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, cung ứng gạo cho thị trường trong nước, gắn với xây dựng nhãn hiệu, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo của DN, góp phần phát triển thương hiệu gạo quốc gia.