Tín dụng nhà ở được kiểm soát tốt
TIN LIÊN QUAN | |
Tín dụng nhà ở xã hội đợi cơ chế mở | |
Nhìn lại 3 năm gói tín dụng nhà ở | |
Gói tín dụng nhà ở 30 ngàn tỷ đồng: Hơn 31.000 khách hàng đã được vay |
Lãi vay mua nhà ở khá mềm
Thời điểm cuối năm nhiều khoản vay giải ngân nhanh, dẫn đến những nghi ngại tín dụng sẽ không được chuyển vào sản xuất kinh doanh mà đổ vào bất động sản. Tuy nhiên, quan sát thị trường thời gian qua cho thấy, các NHTM cho vay bất động sản rất chặt chẽ, hầu hết khoản vay các NHTM dành cho người mua nhà ở.
Chẳng hạn, Vietcombank đang áp dụng lãi suất 7,03%/năm với chu kỳ đầu tiên đối với người mua nhà chứng minh thu nhập bằng tiền lương, tiền công trả nợ trong vòng 10-15 năm. Theo đó, người vay dùng chính căn nhà mua làm tài sản đảm bảo nợ vay với ngân hàng, theo đó tỷ lệ cho vay không quá 70% giá trị căn nhà được ngân hàng định giá, nếu người vay có tài khoản Vietcombank sẽ được ưu đãi giảm 0,2% lãi suất trong một năm đầu. Những khoản vay này sau một năm đầu tiên giải ngân, ngân hàng sẽ lấy lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng thêm khoản 3,5% đến 4% lãi suất để tính lãi suất trả nợ của người vay mua nhà trong chu kỳ thứ hai.
Cho vay mua nhà ở được đảm bảo bằng chính căn nhà và thu nhập của người vay |
Riêng người vay vốn của Vietcombank dùng để mua nhà ở chủ yếu được ngân hàng khuyến khích mua vào các dự án của ngân hàng có liên kết với các chủ đầu tư. Những dự án của Vietcombank thời gian qua liên kết với các chủ đầu tư chủ yếu là những sản phẩm căn hộ phục vụ đời sống. Một số ngân hàng khác như Sacombank, TPBank… cũng có hình thức cấp tín dụng cá nhân cho người mua nhà ở rất chắc chắn bằng việc dùng chính căn nhà người mua làm tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, lãi suất cho vay ở các NHTMCP thường cao hơn NHTM Nhà nước khoảng 2,5%-3% trong chu kỳ đầu tiên. Nhưng kỳ hạn của các khoản vay lại được kéo dài đến 20 năm hoặc 25 năm nên số lãi thực trả hàng tháng được kéo giãn ra làm cho người vay bớt áp lực trả nợ hàng tháng.
Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng thời gian qua có mức tăng trưởng nhanh cũng gây ra những nghi ngờ rằng các TCTD cho vay bất động sản qua tiêu dùng. Tuy nhiên, các NHTM có thế mạnh cho vay tiêu dùng cho rằng những khoản vay này thường nhỏ lẻ và kỳ hạn ngắn chủ yếu dành cho người sửa chữa nhà nên không thể chuyển vốn vào kinh doanh bất động sản.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng những lo ngại tín dụng ngân hàng không đổ vào sản xuất mà đi vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản là một nỗi lo thường trực mà các NHTM cần phải thận trọng trong cho vay. Bởi bản chất của nền kinh tế, nếu tín dụng không tập trung cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Dư nợ bất động sản chiếm khoảng 10%
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, tín dụng bất động sản trên địa bàn hiện mới chiếm khoảng 10,08% trên tổng dư nợ, trong khi đó tín dụng tiêu dùng chỉ chiếm 12,2% tổng dư nợ. Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng có những bước tăng trong tỷ trọng dư nợ các năm qua. Chẳng hạn ở TP.HCM nếu năm 2012 tín dụng tiêu dùng chiếm 4% tổng dư nợ thì đến năm 2015 tỷ trọng là 6% và đến năm 2016 khoảng 8% tổng dư nợ. Thoạt nhìn vào cơ cấu này có thể sẽ có những ngộ nhận đây là tốc độ tăng của tín dụng lĩnh vực này, trong khi bản chất của tín dụng tiêu dùng là những khoản vay phục vụ đời sống nên rủi ro không lớn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, với cơ chế chính sách hiện nay, cho vay lĩnh vực bất động sản được kiểm soát rất chặt, đặc biệt Thông tư 36 quy định tỷ lệ sử dụng vốn vay của các nhà kinh doanh bất động sản có sử dụng vốn vay ngân hàng sẽ như một chốt chặn để nâng cao chất lượng tín dụng. Theo đó, mà nợ xấu của các TCTD trên địa bàn TP.HCM đến cuối năm 2017 vào khoảng 3,7% trên tổng dư nợ, nếu trừ đi 3 “ngân hàng không đồng” thì nợ xấu trên địa bàn trên tổng dư nợ chỉ còn dưới 2%, đảm bảo đúng theo quy định của NHNN Việt Nam. Cùng với đó, các NHTM cũng đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động khá tốt, nhất là các tỷ lệ sử dụng vốn vay trên vốn huy động của từng TCTD đảm bảo kiểm soát rủi ro tốt.
Có thể nói, thời gian qua, NHNN chi nhánh TP.HCM luôn trực tiếp chỉ đạo các TCTD trong việc cho vay vốn vào lĩnh vực bất động sản và cho vay tiêu dùng đều phải kiểm soát chặt chẽ và tập trung vào những phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, tránh dồn tín dụng và kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực tăng trưởng nóng.
Thực tế, các NHTM thời gian qua luôn có những dịch vụ và sản phẩm chuyên biệt để đáp ứng cho phân khúc thị trường nhà ở. Đơn cử, thị trường căn hộ bán đã sôi động trở lại, sau khi các DN đưa ra chiến lược mở bán và đánh giá sản phẩm phù hợp. Để hấp thụ được số lượng căn hộ bán ra ngày càng nhiều, các ngân hàng cũng đồng loạt tung các gói tín dụng tài trợ vốn vay cho chủ đầu tư và người mua nhà với lãi suất ưu đãi.
Hiện nay, có nhiều ngân hàng đã làm rất hiệu quả khi đang có hàng trăm sản phẩm dành cho lĩnh vực nhà ở và tiêu dùng với khả năng kiểm soát rủi ro tốt. Cho vay đúng khách hàng có nhu cầu nhà ở đang được các NHTM săn đón là điều được các ngân hàng đang đặt lên hàng đầu đối với những khoản vay liên quan đến bất động sản. Trong khi cho vay dự án tạo lập nguồn cung căn hộ trên thị trường hiện cũng được các ngân hàng chọn lựa khá kỹ chủ đầu tư.