Tín hiệu sáng từ xuất khẩu và thu hút đầu tư
Xuất siêu 1,45 tỷ USD trong nửa đầu tháng 2 | |
Chưa khai thác tốt lợi thế xuất khẩu trực tuyến |
Nhận đơn hàng xuất khẩu cho cả năm
Ông Nguyễn Đình Đông, Phó tổng giám đốc CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam cho biết, tình hình xuất khẩu của công ty vào thị trường Mỹ năm nay khả quan khi ngay đầu năm, công ty đã hoàn tất việc ký hợp đồng cung ứng sản phẩm lốp xe du lịch với tổng giá trị 1,2 triệu USD.
Các DN đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu |
Đơn đặt hàng này cũng sẽ được duy trì cho đến hết năm 2018. Với những thị trường khác như châu Á, châu Âu, Trung Đông, công ty vẫn luôn giữ được mức ổn định. Dự kiến, doanh thu từ xuất khẩu của công ty chiếm hơn 30%, cao hơn trong năm 2017 khoảng 5%, và dự kiến tổng doanh thu của công ty sẽ đạt mức trên dưới 4.000 tỷ đồng.
Bước sang đầu năm 2018, ngành dệt may đã có xu hướng tốt hơn so với năm 2017. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, theo thông tin từ phía các DN, bắt đầu từ ngày 23/2 (tức ngày mồng 8 âm lịch) những đơn đặt hàng cho đầu năm mới đã rất nhiều.
Đây là kết quả của sự chuyển hướng đầu tư sản xuất của DN, năm 2018, thay vì nhận gia công sản xuất những sản phẩm đơn chi tiết hoặc chi tiết giản đơn, nhiều DN đã chuyển sang sản xuất sản phẩm đa chi tiết, đặc biệt là đổi mới công nghệ để sản xuất những sản phẩm có chi tiết khó, phát huy được lợi thế khéo tay và tỉ mỉ của công nhân Việt Nam.
Đại diện CTCP May Sài Gòn (Gamex) cho biết, từ tháng 1/2018 đến nay, tổng doanh thu đã đạt hơn 11 triệu USD-một mức cao kỷ lục của công ty. Hiện công ty đã nhận đơn hàng cho đến tháng 8/2018, đảm bảo hoạt động cho 4.300 công nhân.
Theo ghi nhận của phóng viên, có trường hợp mặc dù hợp đồng lớn nhưng DN chỉ nhận làm từng tháng theo khả năng cung ứng của mình. CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất khẩu gạo hữu cơ gồm gạo lứt tím than, gạo thơm Việt Ðài. Ðơn vị này không ký hợp đồng lớn mà chỉ ký từng tháng dựa vào khả năng đáp ứng nguồn hàng. Mặc dù giá gạo hữu cơ xuất khẩu cao gấp đôi so với gạo được trồng theo tiêu chuẩn Global GAP nhưng các đối tác nước ngoài đặt mua rất nhiều.
Lãnh đạo một DN lớn về xuất khẩu gạo cho rằng, công ty không lo đầu ra mà phải tập trung chuẩn bị nguồn hàng chất lượng tốt để đáp ứng các hợp đồng đã ký kết cho các thị trường Mỹ, Nhật, Úc… đối với sản phẩm gạo hữu cơ.
Hút mạnh dòng vốn ngoại
Ở một khía cạnh khác, tình hình thu hút đầu tư cũng đang có những tín hiệu hết sức tích cực. Đại diện Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, chỉ tính trong tuần đầu tiên của năm mới, ban quản lý đã tiếp nhận thông tin tìm hiểu đầu tư của nhiều doanh nghiệp đến từ châu Âu, châu Á.
Ví như mới đây, một DN Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt vấn đề tìm kiếm diện tích 30 ha tại khu công nghiệp chế xuất tại TP.HCM để phát triển ngành năng lượng.
Theo thống kê từ Bộ Công thương, kết thúc năm 2017, Hàn Quốc đang là nước đứng đầu về số dự án đầu tư vào Việt Nam với 1.287 dự án, tổng vốn được cấp phép lên đến gần 7,7 tỷ USD; kế đến là Nhật Bản với 566 dự án với tổng vốn đầu tư được cấp phép là 8,6 tỷ USD.
Ngoài ra, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ, Đức, Anh, Samoa… vẫn tiếp tục nằm trong top 10 nước có dự án đầu tư lớn nhất tại Việt Nam (từ 54 - 367 dự án/nước, vùng lãnh thổ). Điều đáng nói, Chính phủ các nước trên đang có nhiều động thái tích cực tăng cường thúc đẩy thương mại song phương với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.
Chính vì vậy, năm 2018, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thương mại - Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE), Paik Ungyu đã làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, thảo luận và thống nhất một số nội dung hợp tác liên quan đến các lĩnh vực xây dựng nhà máy điện, dầu khí, năng lượng tái tạo, quản lý an toàn năng lượng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ô tô, dệt may, hệ thống phân phối và logistics, thúc đẩy xuất khẩu hàng nông thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc. Hai bộ trưởng thống nhất phấn đấu nâng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều lên 100 tỷ USD vào năm 2020.
Trước đó, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, qua khảo sát tình hình của 652/2.540 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, thì có đến 88% DN Nhật Bản kinh doanh có lãi.
Do vậy, hơn 70% DN được hỏi ý kiến cũng khẳng định sẽ mở rộng quy mô đầu tư kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam trong năm 2018. Làn sóng đầu tư của DN Nhật Bản trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, thị trường bất động sản và chế biến lương thực thực phẩm sẽ tiếp tục đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Theo JETRO, những dòng sản phẩm trên sẽ được người Việt Nam chấp nhận và tiêu thụ mạnh trong thời gian tới.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia ký kết 13 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), làm tăng khối lượng trao đổi thương mại với các nước tham gia Hiệp định và nâng cao kim ngạch xuất khẩu, thay đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo chiều hướng tích cực, mở rộng thị phần của hàng hóa Việt Nam và gia tăng năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu…