Tín nhiệm ngân hàng qua lăng kính quốc tế
Moody’s: Nâng triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam lên tích cực | |
Xếp hạng ngân hàng để quản lý |
TS. Cao Sỹ Kiêm |
Moody’s vừa nâng triển vọng tín nhiệm hệ thống NH Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực trong 12-18 tháng tới. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc nâng mức xếp hạng tín nhiệm từ ổn định lên tích cực của tổ chức này phản ánh đúng tín nhiệm mà các tổ chức quốc tế đánh giá hệ thống NH Việt Nam thời gian qua.
Theo ông đâu là những yếu tố quan trọng để giúp các NH Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm?
Tôi nghĩ rằng, đánh giá của Moody’s dựa trên nhiều tiêu chí như tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt kèm theo đó là chất lượng tín dụng tăng lên rõ rệt. Nợ xấu có xu hướng giảm. Một điểm nữa, tỷ giá ổn định trong nhiều năm, đồng VND vẫn giữ được vị thế. Tái cơ cấu hệ thống NH triển khai mạnh mẽ hơn. Những NH yếu kém được giải quyết một cách tích cực hơn theo hướng khoanh vùng xử lý và thu hẹp lại các NH này. Cuối cùng, lợi nhuận của các NH theo chiều hướng tăng lên.Đấy là những yếu tố then chốt để tổ chức quốc tế đánh giá sức khỏe hệ thống NH đang có chuyển biến tích cực.
Có ý kiến lo ngại tín dụng tăng cao khiến rủi ro tín dụng tăng, nợ xấu phát sinh thêm, ảnh hưởng đến tín nhiệm của NH trong năm tới?
Đúng là tín dụng năm nay cao hơn so với cùng kỳ mấy năm trước. Nhưng không phải vì tăng trưởng tín dụng năm nay có gì đột biến mà do những năm trước kinh tế vẫn chưa hồi phục nên hấp thụ vốn còn kém. Năm nay kinh tế hồi phục tốt hơn, nhu cầu sản xuất kinh doanh tăng lên nên tín dụng cao hơn những năm trước là điều bình thường. Vì hoạt động NH là lăng kính phản ánh sức khoẻ nền kinh tế.
Còn về chất lượng tín dụng, các TCTD đã rút kinh nghiệm từ những năm trước đây nên kiểm soát rất chặt dòng vốn,nợ xấu kiểm soát tốt hơn. Nợ xấu mới không tăng lên trong khi nợ cũ đang được NH tích cực xử lý nâng cao chất lượng tài sản của các NH.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận đối với NH quy mô nhỏ hoặc trong diện yếu kém thì chưa chuyển biến nhanh trong ngày một ngày hai được mà phải trải qua quá trình tái cấu trúc dài hạn, đồng bộ diễn ra không chỉ lĩnh vực NH mà cả nền kinh tế mới giải quyết hiệu quả. Nhưng nhìn chung tôi đã thấy các NH có nhiều chuyển biến tích cực và được các tổ chức quốc tế ghi nhận nên mức độ tín nhiệm sẽ được cải thiện tốt hơn trong thời gian tới.
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của WB vừa công bố, chỉ số Tiếp cận tín dụng (Getting credit) của Việt Nam được tăng 3 bậc,xếp 29/190 quốc gia được khảo sát. Chỉ số Tiếp cận tín dụng tăng có nỗ lực lớn của ngành NH trong triển khai Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Mức tín nhiệm của NH hiện chưa phải cao so với khu vực. Thời gian tới các NH cần phải làm gì để gia tăng mức độ tín nhiệm?
Thực tế, là tín nhiệm của hệ thống NH phụ thuộc nhiều vào tín nhiệm quốc gia chứ không chỉ do NH quyết định. Vì vậy, để có thể thay đổi được xếp hạng tín nhiệm phụ thuộc vào chất lượng tăng trưởng, bộ máy điều hành của nhà nước, môi trường kinh doanh. Tuy được cải thiện, nhưng bộ máy nhà nước làm việc vẫn còn cồng kềnh, năng suất lao động chưa cao, nên trong thời gian ngắn chưa nói lên được điều gì. Tôi nghĩ rằng phải mất vài ba năm nữa Việt Nam mới khắc phục được những nhược điểm này để có thể tiếp tục nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Đối với NH dù không tự quyết định được xếp hạng của mình, nhưng nếu đóng góp tích cực hơn đối với nền kinh tế chắc chắn hỗ trợ quan trọng rút ngắn thời gian để nâng hạng tín nhiệm quốc gia. Theo tôi, thời gian tới, hệ thống NH cần kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, sức khoẻ đồng tiền, nợ xấu, nợ quá hạn cũng cần được kiểm soát tốt. Tôi nghĩ, những tiêu chí trên hệ thống NH có thể thực hiện được như nền kinh tế hồi phục sức khỏe NH ổn định, thuận lợi trong kinh doanh nên lợi nhuận theo chiều hướng tích cực…
Xin cảm ơn ông!