TPCP năm 2015 đã đạt được bước phát triển khá ấn tượng
Quang cảnh Hội nghị |
Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá, thị trường TPCP năm 2015 đã đạt được bước phát triển khá ấn tượng cả về huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước (NSNN) và giao dịch thứ cấp.
Hoạt động huy động vốn cho NSNN đã cơ bản hoàn thành, kỳ hạn bình quân trái phiếu huy động tăng lên 02 năm so với năm 2014, mặt bằng chung lãi suất huy động giảm từ 6,54% năm 2014 xuống 6,23% năm 2015, cơ cấu nhà đầu tư có cải thiện khi các quỹ bảo hiểm, đầu tư tham gia tích cực hơn vào thị trường, thanh khoản thị trường tăng nhẹ với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 3.656 tỷ đồng/phiên.
Kết quả đạt được trong năm qua một mặt do cơ chế chính sách đã được hoàn thiện: BTC đã ban hành các Thông tư mới hướng dẫn về phát hành TPCP, TPCP bảo lãnh, trái phiếu CQĐP; phải kể đến vai trò của các đơn vị vận hành thị trường đã hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, rút ngắn thời gian từ phát hành lên niêm yết, giao dịch và đặc biệt là sự nỗ lực tham gia của tất cả các thành viên thị trường TPCP ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Thứ trưởng cũng đặt ra 4 nhiệm vụ cho thị trường trái phiếu 2016 gồm: Tiếp tục huy động vốn hiệu quả cho NSNN; hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ trong việc cơ cấu lại nợ trong nước bằng việc tiếp tục phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài, trong đó kỳ hạn 3 năm chiếm 30%, các kỳ hạn từ 5 năm trở lên chiếm 70%; tăng cường tính thanh khoản của thị trường bằng cách thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, kỳ hạn phát hành; chuẩn bị đưa thị trường phái sinh vào hoạt động.
Tại Hội nghị, bàn về các giải pháp phát triển thị trường năm 2016, Đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng BTC đã đưa ra 3 điểm chính: Hoàn thiện cơ chế chính sách, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và điều hành thị trường.
Theo đó, về cơ chế chính sách: ban hành Thông tư nhằm hoàn thiện kỹ thuật phát hành, chế độ công bố thông tin báo cáo đảm bảo việc phát hành tín phiếu thuận tiện và phù hợp với cơ chế thị trường; ban hành Thông tư hướng dẫn về mua lại TPCP; nghiên cứu cơ chế cho vay TPCP; nghiên cứu triển khai sửa đổi , bổ sung cơ chế chính sách về phát hành TPDN.
BTC cũng tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hànhchính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, triển khai Đề án chuyển chức năng thanh toán tiền TPCP sang Ngân hàng Nhà nước để giảm thiểu rủi ro hệ thống thanh toán TPCP.
Về các giải pháp điều hành thị trường: giảm số mã trái phiếu và tăng quy mô niêm yết của một mã trái phiếu; xây dựng cơ sở dữ liệu phát hành TPDN để củng cố việc công bố thông tin trên thị trường TPDN.
Đối với vấn đề huy động vốn cho NSNN, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết năm 2016 kế hoạch phát hành 220.000 tỷ đồng TPCP, dự kiến quý 1/2016, KBNN sẽ phát hành 76.000 tỷ đồng, trong đó 45% là các trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero coupon bond) sẽ được phát hành 1 phiên/1 quý.
HNX với chức năng tổ chức, điều hành thị trường cũng đưa ra một loạt kế hoạch hành động như: tiếp tục phối hợp với KBNN hoàn thành khối lượng huy động vốn, nghiên cứu triển khai hoán đổi chéo kỳ hạn để kéo dài kỳ hạn bình quân.
Đối với các tổ chức phát hành khác, HNX sẽ hỗ trợ xây dựng lịch biểu và kế hoạch phát hành, áp dụng phương thức phát hành lô lớn, hỗ trợ các địa phương thực hiện phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, thực hiện hoán đổi trái phiếu nhằm tăng quy mô niêm yết, tăng thanh khoản và giảm chi phí huy động vốn.
Bên cạnh đó, HNX cũng nghiên cứu triển khai để đưa vào giao dịch các sản phẩm mới như bộ sản phẩm Repo, phát triển sản phẩm Hợp đồng tương lai TPCP…
Và một trong những nhiệm vụ chính được đặt ra trong năm nay, HNX sẽ hoàn thành Đề án phát triển thị trường TPDN để trình UBCKNN (quý 1/2016) và trình BTC (quý 2/2016) để có thể đưa vào vận hành thị trường này từ 2017, đóng góp cho quá trình tái cấu trúc TTCK và thưc hiện lộ trình thị trường trái phiếu do BTC đặt ra.
Hội nghị cũng đã đã biểu dương Top 5 thành viên tiêu biểu thị trường TPCP năm 2015 để ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của các thành viên: CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Sài Gòn.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng chứng kiến sự ra mắt của 21 thành viên đấu thầu năm 2016 gồm:
STT | Tên Thành viên |
1 | CTCP Chứng khoán Bảo Việt |
2 | CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam |
3 | Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam |
4 | CTCP Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh |
5 | Ngân hàng TMCP Á Châu |
6 | Ngân hàng TNHH Một thành viên ANZ Việt Nam |
7 | Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam |
8 | Ngân hàng TMCP Sài Gòn |
9 | Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam |
10 | Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt |
11 | Ngân hàng TMCP Quân đội |
12 | Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam |
13 | Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín |
14 | Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam |
15 | Ngân hàng TMCP Tiên Phong |
16 | Công ty TNHH một thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam |
17 | Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam |
18 | Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam |
19 | Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng |
20 | Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
21 | Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam |