Trái cây tăng xuất khẩu “quên” thị trường nội
Trái cây Trung Quốc tràn ngập thị trường | |
Trái cây nhập khẩu trong tay các nhà phân phối lớn |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,38 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của rau quả Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2017, chiếm 83,8% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.
Sạp trái cây chợ Bến Thành có đến 50% là hàng ngoại |
Ngoài ra, còn nhiều thị trường nhập khẩu rau quả Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh từ đầu năm 2017 như Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tăng gấp 2 lần, Nga tăng 76,3%, Nhật Bản tăng 51,2%, Trung Quốc tăng 36,8%...
Việc tăng xuất khẩu đã khiến giá trái cây trong nước đứng ở mức cao từ đầu năm 2017 đến nay. Bắt đầu từ tháng 4 âm lịch là vào mùa trái cây rộ ở các tỉnh miền Nam, nhưng giá bán nhiều loại trái cây (loại bình thường như chôm chôm, mận, vải, cam quýt… hay trái cây đặc sản như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, xoài cát Hòa Lộc...) luôn đứng ở mức cao hơn từ 40% - 50% so với cùng kỳ năm 2016.
Hiện tại, giá sầu riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Đông, Tây Nguyên đang ở mức 40.000 đồng - 45.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và giá bán lẻ từ 65.000 đồng/kg. Giá bưởi da xanh và Năm roi từ 60.000 đồng - 65.000 đồng/kg. Cam xoàn có mức giá 50.000 đồng/kg. Đến loại chôm chôm giống trong nước mọi năm bán tràn ra lề đường giá chỉ 15.000 đồng/kg thì nay đang bán 40.000 đồng/kg. Còn chôm chôm giống Thái Lan và Indonesia giá lên đến 55.000 đồng/kg.
Theo các thương lái, nguyên nhân giá các loại trái cây tăng cao là do trước đó tình hình khô hạn và xâm nhập mặn trong năm 2016 khiến nhiều diện tích vườn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng, trong đó thiệt hại nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang, Hậu Giang.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, giá trái cây tăng cao giúp nhiều nhà vườn có được lợi nhuận cao hơn so với các năm trước.
Tuy nhiên, số lượng các nhà vườn thu được lãi cao tập trung chủ yếu ở các địa phương không bị ảnh hưởng của hạn, mặn, chủ động được nguồn nước ngọt và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc như các tỉnh Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ và một số địa phương của các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng…
Nhìn chung toàn thị trường trái cây năm nay cho thấy, hầu hết các loại đều có giá bán tốt. Đối với những mặt hàng đã mở cửa được những thị trường khó tính là Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản như nhãn, vải, thanh long, xoài thì đã xuất khẩu ổn định. Còn lại những loại khác như dừa, dứa, ổi, cam… cũng đều được giá ở thị trường trong nước.
Lợi thế xuất khẩu đã có, những vườn cây ăn trái của người dân đi qua hai năm thời tiết hạn mặn khắc nghiệt (2015, 2016), nay được giá bán là điều đáng mừng. Nhưng đối với thị trường tiêu thụ trong nước, thì người dân ăn chính trái cây mình trồng lại là hàng thứ cấp (DN xuất khẩu chê, mới bán ra thị trường nội), với giá lại đắt đỏ và ít có sự lựa chọn hơn cả hàng nhập khẩu.
Cụ thể theo Trung tâm Tin học và Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả 5 tháng đầu năm 2017 đạt 470 triệu USD, tăng đến 68,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 100 triệu USD, tăng 49% và trái cây đạt 353 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2016. Trái cây rau quả nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan, Trung Quốc, Úc, Nam Phi, Chi Lê… và dù nhập từ nước nào thì số lượng thống kê vẫn tháng sau cao hơn tháng trước.
Nếu so sánh về chất lượng, thì nhiều loại trái cây trong nước hương vị đặc sắc hơn trái cây nhập khẩu như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, vải, nhãn, xoài, dừa sáp… Nhưng khi ra thị trường tiêu thụ đến tay người dân, dù trái cây đặc sản vẫn bán theo kiểu đại trà, chất thành đống, nhìn như hàng kém chất lượng, giá bán lại cao, khiến người tiêu dùng thất vọng.
Ngược lại, trái cây nhập khẩu (táo, lê, kiwi, nho, cam...) không phải loại nào cũng có chất lượng ngon, nhưng lại được bày bán ngay ngắn, bảo quản kỹ lưỡng, đóng thùng ở môi trường lạnh thích hợp, khi lên quầy kệ vẫn giữ độ tươi mới, sáng đẹp…
Khi đến tay khách Việt nếu không ở những vị trí tốt trong siêu thị thì cũng nằm hàng đầu quầy trái cây tại chợ, shop. Nhìn đã thấy hấp dẫn, mặc dù nhiều loại trái cây ngoại giá rẻ hơn hàng Việt Nam như táo, lê, cam...