Tư duy về phát triển thể chế đang làm kinh tế tư nhân yếu đi
Vẫn cho rằng kinh tế tư nhân là thứ yếu
“Thể chế kinh tế như thế nào thì doanh nghiệp ấy. Chúng ta vẫn yêu chiều, dồn nguồn lực vào DNNN, mãi vẫn vật lộn với cơ cấu nguồn lực tăng trưởng ở khu vực này thì sao khu vực DN tư nhân chẳng bé đi”, PGS, Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo “Vai trò của kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, ngày 4/10/2016.
GS. TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kinh tế Việt Nam lại nói: “Tư duy phát triển thể chế hiện làm kinh tế tư nhân kém đi, làm quá trình phát triển của DN tư nhân chậm đi nhiều”.
Ảnh minh họa |
TS. Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra nguyên nhân cơ bản nhất tạo rào cản cho khu vực kinh tế tư nhân, đó là khâu tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở các cấp, một số DN cho rằng đạo đức công chức trong thực thi là rào cản lớn nhất. Và trong nhận thức vẫn có sự bất bình đẳng giữa khu vực tư nhân với khu vực Nhà nước, vẫn cho rằng kinh tế tư nhân là thứ yếu.
Bất bình đẳng – chuyện nói đi nói lại nói mãi vẫn là chuyện chưa được giải quyết, trong khi đó, kinh tế tư nhân đóng góp gần 40% trong nền kinh tế.
Theo TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), khi tư duy coi DN tư nhân vẫn chỉ là thứ yếu và chưa coi trọng thì khi áp dụng chính sách hỗ trợ đã không tập trung vào kinh tế tư nhân nên chính sách không mang lại hiệu quả.
Gần như tất cả những chuyên gia kinh tế và nhà nghiên cứu hàng đầu, những người “luôn nói mạnh, chỉ thẳng” và luôn được xã hội quan tâm đã đến dự và phát biểu tại hội thảo.
Chủ trương định hướng phát triển kinh tế tư nhân đã có, đã rõ. Nhưng TS.Trần Đình Thiên hỏi: “30 năm rồi, các cơ chế cho kinh tế tư nhân vẫn chưa được hoàn thiện. Câu hỏi được đặt ra là nó chậm hoàn thiện hay có chỗ nào đặt rào cản để chậm hoàn thiện? Trên thương trường, các DN Nhà nước chiếm lĩnh hết nguồn lực, DN tư nhân bao năm qua bị o ép, còi cọc không lớn được và không dám lớn?”.
Ông nói: “Đất nước mình cái gì sắp mất rồi mới thấy quan trọng, khi cạnh tranh hội nhập quốc tế, chúng ta thấy kinh tế tư nhân của mình còn yếu thì lại bắt đầu phong cho kinh tế tư nhân là đầu tàu quan trọng… Tại sao quan trọng nhưng đến nay kinh tế tư nhân vẫn đì đẹt, phát triển chậm, đặt trong môi trường kinh tế quốc tế là bị lép vế?”.
Tầm nhìn có vấn đề
Thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện là một cản trở với kinh tế tư nhân. Nhưng theo ông Thiên, nói chưa hoàn thiện là trung tính quá, phải nói thẳng là chưa muốn hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Cốt lõi của kinh tế thị trường là giá cả nhưng những loại giá cơ bản là giá đất, giá vốn, giá năng lượng… lại không theo thị trường. Rồi môi trường không công khai minh bạch thì làm sao tư nhân bình đẳng được.
Không ngại ngần né tránh, ông nói thẳng: Tầm nhìn chúng ta có vấn đề, tại sao không nhìn ra được thời đại này là thời đại gì? Hãy xem từ cơ cấu ngành hiện nay đặc biệt cơ cấu ngành xét về phương diện công nghệ là thấp kém, chưa thoát khỏi trình độ sơ đẳng của nền công nghiệp, chúng ta đang khai thác tài nguyên và lắp ráp, hệ thống chính sách khuyến khích nhập khẩu… công nghiệp hỗ trợ thì chưa có gì. Động lực để thay đổi cấu trúc kinh tế là khu vực sản xuất thì DN sản xuất nội địa vô cùng yếu. Tiếp cận vấn đề về cạnh tranh chưa chuẩn nên hệ thống khuyến khích cho DN tư nhân cũng chưa được thiết kế đúng.
"Khoảng cách phát triển tại Việt Nam hiện nay không phải từ Ải Năm Căn đến Mũi Cà Mau mà là khoảng cách giữa lời nói và hành động”, bà Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cất lời. “Chúng ta đổi mới chưa thực sự hoàn chỉnh, kinh tế Nhà nước vẫn chưa đến 1% số DN nhưng được hưởng 50% nguồn lực là những nguồn lực tốt nhất".
Bà Lan đã đi bên cạnh DN tư nhân từ những DN tư nhân đầu tiên ra đời, nhưng cho đến hôm nay, lúc nào bà cũng trăn trở, đau đáu khi kinh tế tư nhân – những người lót đường cho đổi mới 30 năm trước, những người là động lực cho đổi mới ngày nay, cho phát triển ngày nay vẫn còn bị nhiều cản trở, kìm hãm và không lớn nổi.
Bà phát biểu: “Hàng vạn DN tư nhân đã phá sản, chúng ta vẫn bàn về tìm đâu ra nút thắt để tháo gỡ khó khăn cho khu vực này mà nút thắt quan trọng nhất là thể chế kinh tế, bộ máy, con người và đặc biệt là chuyển biến từ tư duy, suy nghĩ đến hành động còn quá khác xa nhau... Chúng ta đang mắc nợ vì qua 30 năm đổi mới, mà khu vực kinh tế tư nhân vẫn còi cọc, bị giảm đi và không lớn được”.
TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng CIEM – một trong những người quan trọng trong sự ra đời của Luật DN đầu tiên ở Việt Nam cũng thẳng thắn nói rằng không nên lạc quan tếu về bức tranh phát triển nhanh của kinh tế tư nhân những năm qua. Ông chỉ ra thực tế kinh tế hộ gia đình đang không muốn lớn thành DN, “tôi biết có những kinh tế hộ gia đình hàng trăm lao động những vẫn tự nhận là bé”. Họ chỉ muốn coi là bé để khỏi tốn những khoản chi phí không chính thức, những khoản ủng hộ, chi phí chiêu đãi… Cải cách thể chế phải thấy thể chế có nhiều tiến bộ nhưng vẫn có khuyết tật lớn, thu chính thức đã lớn, phi chính thức còn nặng nề hơn nhiều”.
“30 năm nay chúng ta đã nói đến chuyện làm thế nào để phát triển kinh tế tư nhân, có những cái đã có văn bản dài hàng mét nhưng thực hiện vẫn như cũ”, TS. Lê Xuân Bá, người kế nhiệm chức Viện trưởng CIEM lên tiếng.
Ông nói: “Phải tìm ra cái mới, làm cái mới chứ đừng nhắc đi nhắc lại mãi những vấn đề của Nghị quyết, của khó khăn mà hàng chục năm không giải quyết được. Đã đến lúc cần nghiêm túc trong hành động và suy nghĩ để giúp DN phát triển”. Nhiều trở lực không muốn, không cho khu vực tư nhân phát triển là bởi cơ quan công quyền lo giữ ghế, bảo vệ lợi ích của bộ. “Nếu DN tư nhân đã lớn lên, họ sẽ “bật” lại các chính sách duy ý chí, chính sách chỉ phục vụ lợi ích cục bộ”, ông cảnh báo.