Từ mô hình liên kết chuỗi đến kỳ vọng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
Kết nối ngân hàng với nông nghiệp đô thị | |
Ngân hàng hướng mạnh về nông thôn | |
Dòng tiền đổ mạnh vào nông nghiệp |
Từ sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), nông nghiệp đã được xác định là mặt trận kinh tế hàng đầu. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp và nông thôn, xác định đây là lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thúc đẩy chính sách tín dụng theo chuỗi giá trị
Để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014, trong đó có yêu cầu NHNN phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình cho vay thí điểm phục vụ cho phát triển nông nghiệp.
Sau khi Nghị quyết ban hành, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành khảo sát các mô hình liên kết tại 8 địa phương để xây dựng chính sách cho vay thí điểm. Theo đó, NHNN đã ban hành hướng dẫn cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nhằm khuyến khích các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với nhiều cơ chế cho vay đặc thù trong thời gian 2 năm.
Agribank là ngân hàng chủ lực đầu tư tín dụng cho nông nghiệp nông thôn |
Đơn cử như lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm ngắn hạn. Trường hợp khách hàng không có đủ tài sản bảo đảm ngân hàng có thể cho vay không tài sản bảo đảm trên cơ sở kiểm soát dòng tiền.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về việc chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định đã quy định chính sách khuyến khích tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết phù hợp với xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay với mục tiêu thúc đẩy kinh tế nông nghiệp.
Cụ thể, các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa tới 80% giá trị của dự án. Trường hợp các DN đầu mối liên kết hoặc ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ, xóa nợ.
Chưa dừng lại ở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 trong đó có các điểm nổi bật nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của một số đối tượng khách hàng lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ. Liên quan đến chuỗi liên kết có quy định quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong nông nghiệp. Điều này đã cho thấy sự quyết tâm của Nhà nước trong việc phát triển mô hình tín dụng theo chuỗi giá trị tại Việt Nam.
Mô hình thí điểm cho vay theo chuỗi giá trị đã giải quyết bốn vấn đề lớn sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Thứ nhất, gắn kết chặt chẽ giữa người nông dân và DN, chia sẻ hài hòa lợi ích cũng như rủi ro, giúp cho các sản phẩm nông nghiệp.
Thứ hai, giải quyết được những khó khăn về vốn sản xuất, về việc không đủ tài sản bảo đảm để vay vốn sản xuất do NH quản lý được dòng tiền.
Thứ ba, các DN trong nước không phải lo nguồn nguyên liệu đầu vào, dành thời gian tìm kiếm thị trường, chủ động đàm phán với DN nước ngoài để xuất khẩu sản phẩm tạo lợi thế cạnh tranh giúp các DN của Việt Nam, có điều kiện phát triển ổn định, bền vững và tăng kim ngạch xuất khẩu.
Thứ tư, đối với người nông dân yên tâm sản xuất vì nông sản đã có nơi tiêu thụ, giá cả ổn định, có lãi.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai mô hình tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp vấp phải một số khó khăn. Chuỗi giá trị nông nghiệp hiện vẫn chưa hoạt động hiệu quả, xứng tầm với vai trò của chuỗi.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay cả nước chỉ có khoảng 300 trong tổng số 700 chuỗi giá trị nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Trình độ chế biến sâu còn hạn chế, đem lại giá trị gia tăng thấp. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế hạn chế. Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh… nhưng thiếu cơ chế dự phòng xử lý rủi ro, nhất là chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi.
Việc ký kết hợp đồng thay vì thoả thuận bằng miệng và cam kết thực hiện theo đúng nội dung hợp đồng là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, việc tuân thủ hợp đồng nông nghiệp của các đơn vị trong chuỗi giá trị còn bất cập, thường xuyên xuất hiện tình trạng “bẻ kèo”, thiếu biện pháp xử lý để tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng của người dân và DN. Điều này ảnh hưởng đến việc cấp vốn tín dụng của NH khi triển khai mô hình tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp.
Trong sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp, hợp tác xã có vai trò như đơn vị liên kết với hộ nông dân và DN. Với vai trò mắt xích, liên kết trong chuỗi giá trị nhưng HTX lại gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay theo mô hình liên kết. Nguyên do hầu hết các hợp tác xã chưa có đất để canh tác mà sử dụng đất sản xuất của xã viên tham gia vào hợp tác xã nên không có tài sản riêng làm tài sản bảo đảm khoản vay. Đồng thời, công tác báo cáo thống kê của hợp tác xã chưa thể hiện được sự minh bạch thông qua việc xây dựng và lập báo cáo tài chính…
Cần tạo lực bẩy cho chuỗi giá trị nông nghiệp
Nhà nước cần có chính sách khuyến khích việc liên kết theo mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp cả về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, vốn, lãi suất, thị trường đầu ra… Các chính sách này được triển khai đồng bộ mới thu hút đơn vị trong chuỗi, nhất là các hộ dân tham gia. Riêng đối với DN, việc đầu tư đổi mới dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất vào hoạt động nuôi trồng và chế biến nông nghiệp thường có chi phí lớn.
Do đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thuế ưu đãi đối với các DN triển khai thực hiện các mô hình chuỗi giá trị như: ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng... khuyến khích các DN mở rộng đầu tư, đổi mới dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất. Từ đó nâng cao hiệu quả trong sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
Công tác quy hoạch cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của chuỗi giá trị. Do đó, việc hoàn thiện công tác quy hoạch vùng nuôi trồng và vùng sản xuất nông sản theo hướng rà soát và điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp, dự báo thị trường của từng mặt hàng nông sản thương phẩm… là những việc cần làm trong thời gian tới. Các nhà máy, cơ sở chế biến phải có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu của đơn vị phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó, tình trạng mất cân đối cung cầu mới được giải quyết.
Đồng thời, quy hoạch hiệu quả sẽ giúp hình thành nên vùng nuôi trồng và sản xuất ngành nông sản tập trung, nâng cao được sự gắn kết giữa các đơn vị trong chuỗi và hiệu quả hóa lợi ích từ cơ sở hạ tầng.
Nhà nước cũng cần có cơ chế bảo hiểm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng dễ tiếp cận hơn theo hướng xây dựng quy trình về chính sách, đối tượng, hệ thống giá bảo hiểm hợp lý theo hướng thiết kế chính sách, khung giá cần phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế khuyến khích các DN có tiềm lực tham gia lĩnh vực này bên cạnh các công ty bảo hiểm.
Cuối cùng, sở, ban, ngành, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động của chuỗi giá trị ngành nông sản và chất lượng nguồn vốn tín dụng được đưa vào chuỗi đó. Vai trò của chính quyền trong giám sát, hỗ trợ sẽ đưa mối liên kết giữa DN và các hộ dân tham gia liên kết chặt chẽ hơn, chống lại những tin đồn thất thiệt về nông sản Việt Nam, tăng quyền tự chủ giá bán trên thị trường. Từ đó, hiệu quả của nguồn vốn NH trong chuỗi giá trị sẽ đạt hiệu quả tối ưu nhất.