Tự tin đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng
Động lực thúc đẩy tái cơ cấu
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH trong năm 2015 là tập trung tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Trên thực tế, những thành công trong hoạt động của Ngành NH thời gian qua đã khiến niềm tin của người dân vào hệ thống NH được nâng cao. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân đã tới gửi tiết kiệm nhiều hơn cho thấy, để NH “giữ tiền” họ vẫn thấy hiệu quả và an toàn cho dù lãi suất huy động liên tục giảm.
“Khi các NH yếu kém được sắp xếp lại, nguy cơ đổ vỡ NH được giải quyết đã góp phần tạo nên niềm tin của ngành huyết mạch nền kinh tế, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin cho cộng đồng DN và người dân là đương nhiên” – một chuyên gia NH phân tích và cho rằng đây là kết quả của hàng loạt giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ và trực tiếp là NHNN trong việc thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015.
NHNN có đủ sức để xử lý quyết liệt tái cơ cấu các TCTD |
Tuy nhiên, giai đoạn 1 của Đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD (2011 - 2015) là tập trung xử lý các NH yếu kém nhất - những “mắt xích” có thể đứt vỡ bất cứ lúc nào. Trong giai đoạn 2 sẽ tiến hành đồng bộ, toàn diện hơn, không chỉ các NH yếu kém, mà cả các NH đang tốt cũng phải tái cơ cấu để hoạt động tốt hơn, bền vững hơn. Việc này đã được Chính phủ “nhắc nhở” ngành NH tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo hướng: Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản trị rủi ro, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ đi đôi với tiếp tục hiện đại hóa công nghệ NH; ban hành các chuẩn mực về hoạt động NH phù hợp với thông lệ quốc tế. Tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên cơ sở tự nguyện theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh xử lý có hiệu quả tình trạng sở hữu chéo.
Trong nội dung triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2015 Thống đốc NHNN cũng tỏ ra quyết tâm trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống các TCTD qua việc giao những nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trong hệ thống.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: Giai đoạn đầu của quá trình tái cơ cấu hệ thống NH, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn đang rất bất ổn, khả năng của chính NHNN cũng còn hết sức hạn chế và thị trường cũng còn hết sức khó khăn. Do đó, bước đầu, ngành NH chỉ tập trung vào các NH yếu kém, tiêu chí dựa trên sự tự nguyện và đặt dưới sự giám sát của NHNN. Nhưng đến nay, tình hình chuyển biến hết sức tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, điều kiện, năng lực của nhà nước, của NHNN đã được nâng lên rất nhiều, chúng ta có đủ sức để xử lý mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn các vấn đề còn tồn đọng.
Quyết liệt và đúng luật
Theo TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, trong năm 2015, NHNN có thể thực hiện tái cơ cấu khoảng 6-8 NH như đã đặt ra. TS. Trần Hoàng Ngân phân tích, quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD theo Đề án 254 đã triển khai thời gian qua đi đúng lộ trình và đạt kết quả nhất định. Từ đó, giúp cho NHNN tự tin hơn khi tiếp tục đưa ra mục tiêu tái cơ cấu các TCTD theo định hướng đã đưa ra.
“Năm 2015 là năm rất quan trọng khi thực hiện Nghị quyết Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu quả, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DNNN và hệ thống NH. Do đó, định hướng của NHNN trong tái cơ cấu hệ thống như vậy là quyết liệt và hợp lý” – TS. Trần Hoàng Ngân nói.
Giải pháp quyết liệt của NHNN như với trường hợp VNCB cũng phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi mục đích của tái cơ cấu là để giữ sự ổn định của hệ thống, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và DN trong NH đó. Đặc biệt, thời qua NH cũng đang tiến hành xúc tiến từng bước để xử lý sở hữu chéo trong hệ thống NH và Thông tư 36/2014/TT-NHNN của NHNN đã dọn đường để cơ quan này thực hiện xử lý sở hữu chéo trong năm nay.
“Tôi đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản trị rủi ro, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ đi đôi với tiếp tục hiện đại hóa công nghệ NH theo như Nghị quyết của Chính phủ đặt ra với ngành NH” – TS. Trần Hoàng Ngân chia sẻ.
Theo ông Ngân, công tác quản trị của NH luôn được quan tâm nhất là sau những biến động của suy giảm kinh tế năm 2008 dẫn tới nợ xấu cao mà ngành NH đang phải xử lý. Bản thân các TCTD cũng đã rút ra bài học và đang chú trọng công tác quản trị. Hiện nay các NH cũng nâng quản trị theo chuẩn Basell 2 và chú ý tới chất lượng tín dụng, quản trị rủi ro.
Để hạn chế được rủi ro, bên cạnh yếu tố con người thì công nghệ cũng hỗ trợ rất tích cực cho NH. Vì hoạt động NH hiện nay là hoạt động dịch vụ cao cấp về mặt trí tuệ con người và thể hiện tính hiện đại hóa công nghệ thông tin, thúc đẩy hệ thống thanh toán điện tử và việc đẩy mạnh công nghệ thông tin giúp NH giảm tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập...