Tuyên chiến với nông sản giả nguồn gốc
Thị trường nông sản thực phẩm: Loạn giải pháp truy xuất nguồn gốc | |
Có nguồn gốc, nông sản sẽ giá trị hơn |
“Phù phép” nông sản
Thời gian gần đây, trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, liên tục xuất hiện tình trạng nông sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, “đội lốt” nông sản ở khu vực. Trong đó, có thể kể đến như: khoai tây Đà Lạt, nho Ninh Thuận, rau, củ sấy khô... Vấn nạn này đã và đang gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, làm mất uy tín các sản phẩm trên thị trường. Bởi vậy, các địa phương trong khu vực đang tiến hành nhiều giải pháp để ngăn chặn, mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng.
Nho Ninh Thuận đang bị đội lốt trên thị trường |
Có thời điểm trên đường phố Đà Nẵng, xuất hiện nhiều hàng rong, rao bán các sản phẩm nho được giới thiệu là nho Ninh Thuận. Các chùm nho đỏ, xanh có hình thức khá giống nhau, nhưng lại được rao bán với giá khác nhau. Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ, nhiều người bán đều khẳng định đây là nho Ninh Thuận chính gốc.
Tuy nhiên, khi hỏi cách phân biệt giữa nho Ninh Thuận với nho Trung Quốc thì họ ấp úng, trả lời khác nhau. Ngoài ra, trên các trang mạng cũng rao bán nhan nhản sản phẩm nho Ninh Thuận, với các hình ảnh giới thiệu bắt mắt. Mức giá dao động từ 40 đến 75 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, trên thực tế người mua rất khó để có thể xác định được đây có phải là nho “xịn” Ninh Thuận hay không?
Theo ông Nguyễn Văn Pha, trú ở TP. Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), phần lớn trong số nho đang được rao bán lẻ trôi nổi trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc, đội lốt nho Ninh Thuận. Tư vấn cho mọi người, ông Pha chia sẻ thông tin, nho đỏ Ninh Thuận thường có chùm thon dài, nhiều trái khít nhau. Vỏ nho mỏng, quả chín có màu đỏ tươi đến đỏ đậm. Nho có vị ngọt thanh và chua nhẹ... Trong khi, nho đỏ xuất xứ từ Trung Quốc các chùm nho lớn hơn, trái to, tròn rời rạc. Thịt nho mềm, không chua mà ngọt gắt.
Tương tự, gần đây dư luận cả nước rộ lên chuyện khoai tây Trung Quốc nhập khẩu, rồi được “phù phép” trở thành khoai tây Đà Lạt. Điều này, khiến nhiều người tiêu dùng hết sức bức xúc. Theo đó, thủ đoạn của các tiểu thương làm ăn gian dối là nhập khoai tây từ Trung Quốc về Lâm Đồng. Sau đó, tiến hành rửa sạch, bôi đất đỏ ở địa phương lên rồi tung ra thị trường để tiêu thụ. Công an TP. Đà Lạt đã bắt quả tang các vụ trộn đất vào khoai tây Trung Quốc để bán ra thị trường, đánh lừa người tiêu dùng với giá cao gấp đôi.
Trong đó, có thể kể đến vụ việc lực lượng chức năng địa phương phát hiện tại quầy số 19, chợ nông sản Đà Lạt, do bà Đoàn Thị Chè làm chủ, có một nhóm người đang rửa khoai tây có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau khi được rửa sạch, khoai tây Trung Quốc được trộn với đất đỏ ở địa phương, nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Kiên quyết ngăn chặn
Vấn nạn này tồn tại dai dẳng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn, người tiêu dùng thiệt hại. Đặc biệt, gây mất niềm tin vào các loại nông sản trên thị trường. Vì lợi nhuận, nhiều tiểu thương đã âm thầm tiếp tay cho các đối tượng làm ăn bất hợp pháp.
Trước tình trạng nông sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, “đội lốt” sản phẩm nông sản ở địa phương, các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng đã có những biện pháp bảo vệ thương hiệu các nông sản của mình.
Tại Ninh Thuận, nhằm bảo vệ thương hiệu các loại nho đặc sản ở địa phương, bên cạnh việc tập trung quy hoạch vùng sản xuất nho chất lượng cao, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP; Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng nho tham gia thành lập các nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nho một cách khép kín... cơ quan chức năng ở địa phương còn tăng cường quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, cấp phát tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc nho Ninh Thuận.
Còn tại Lâm Đồng, chính quyền địa phương có những động thái quyết liệt hơn. Cụ thể, từ giữa tháng 9/2018, tại chợ nông sản Đà Lạt, tiểu thương chỉ được kinh doanh nông sản sản xuất ở địa phương. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng lập tổ kiểm tra đột xuất các xe chở nông sản từ chợ nông sản Đà Lạt đi các tỉnh, thành trong cả nước. Trường hợp phát hiện các lô hàng không gắn nhãn mác sẽ bị tịch thu, tiêu hủy.
Đặc biệt, nếu phát hiện có hành vi nhuộm đất đỏ cho khoai tây Trung Quốc sẽ bị xử lý, thu hồi mặt bằng kinh doanh. Động thái mạnh mẽ này của các cơ quan chức năng ở Lâm Đồng, đang nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Về lâu dài, để ngăn chặn tận gốc, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cũng đã triển khai đề án dán tem cho khoai tây Đà Lạt.
Theo đó, khoai tây Đà Lạt trước khi xuất ra thị trường sẽ được dán tem nhãn in mã QR code, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. UBND tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để in ấn bao bì hỗ trợ các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ khoai tây Đà Lạt. Sau mặt hàng này, Lâm Đồng sẽ có các quy định cụ thể để chống làm giả xuất xứ nông sản cho các loại nông sản khác của địa phương.