Tuyên Quang: Vốn ngân hàng hỗ trợ vùng cam
Phủ xanh vùng đất đỏ | |
Vì sứ mệnh phát triển tam nông ở quê lúa | |
Thảo thơm mùa quýt Lai Vung |
Những ngày này, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang vào mùa thu hoạch cam sành. Vườn trên thì thu hái tấp nập. Vườn dưới hàng hàng xe tải, container đến chở cam đi các vùng trong cả nước. Từ nhiều năm nay, cam sành đã trở thành cây trồng mũi nhọn của người dân huyện Hàm Yên, cho thu nhập cao.
Để khuyến khích các hộ gia đình tham gia trồng cam, phát triển kinh tế, năm 2014 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển vùng sản xuất cam sành tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2014-2020…
Anh Đặng Văn Vĩ, thôn Pá Han, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên chia sẻ, những năm gần đây với giá cam ở mức cao và ổn định, các hộ trồng cam đều có thu nhập khá.
Năm 2014, giá cam dao động khoảng 8.000 đồng/kg, năm 2015 giá tăng đạt mức trên 9.000 đồng/kg. Gia đình anh trồng cam từ năm 2006 với diện tích chỉ hơn 1ha. Đến nay, gia đình anh sở hữu 2 vườn cam khoảng 15 ha đã và đang thu hoạch với năng suất khá, ước đạt trên 100 tấn. Với lượng cam như vậy tổng thu hoạch từ cam cũng lên tới hơn một tỷ đồng.
Theo anh Đặng Văn Vĩ, để mở rộng và phát triển diện tích trồng cam như hiện nay, gia đình anh có được sự hỗ trợ rất lớn từ phía NH, đặc biệt là Agribank Phù Lưu đã kịp thời cung ứng vốn để đầu tư và mở rộng sản xuất. Nếu như năm 2006 anh vay chỉ 20 triệu đồng thì đến nay dư nợ tại Agribank là 500 triệu đồng. Anh Vĩ cho biết, với thủ tục cho vay nhanh gọn, lãi suất hợp lý, đặc biệt còn được hưởng thêm về hỗ trợ của tỉnh nên lãi suất vay thấp, anh mạnh dạn vay vốn để mở rộng quy mô trồng cam và có thu nhập ổn định.
Vườn cam gia đình anh Đặng Văn Vĩ cho năng suất cao |
Cũng được vay nguồn lãi suất thấp từ Agribank, gia đình chị Hoàng Thị Đoàn cùng thôn Pá Han đã có mức thu nhập ổn định từ cây cam. Hiện diện tích trồng Cam gia đình chị Đoàn đang sở hữu khoảng 4 ha, cho thu nhập từ 6-7 trăm triệu đồng. Chị Đoàn cho biết, để đầu tư cho số cam trên chị đều phải vay vốn từ NH mới đủ đáp ứng được nhu cầu. Theo đó, năm 2013 chị vay 200 triệu đồng, năm 2014 vay 300 triệu đồng từ Agribank Phù Lưu…
Nói về vị thế cây cam trong phát triển kinh tế hộ, ông Nông Văn Nghiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội cam sành Hàm Yên cho biết, huyện có gần 4.900 ha trồng cam, trong đó có 3.100 ha đang cho thu hoạch, với tổng sản lượng dự kiến đạt khoảng hơn 43.000 tấn quả. Với giá bán năm nay cao hơn năm trước, dao động từ 8.400-10.000 đồng/kg tùy loại, tổng doanh thu năm 2014 của các trang trại cam đạt trên 86 tỷ đồng, bình quân doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/trang trại/năm.
Theo ông Nghiệp, trước đây thị trường tiêu thụ còn hạn chế nhưng từ khi thương hiệu cam sành Hàm Yên được nhiều người biết đến thì đã mở rộng được thị trường tiêu thụ khắp cả nước. Các hội viên trồng cam đều cho thu nhập cao và ổn định. Đặc biệt với các chính sách hỗ trợ của tỉnh và của NH đã giúp các hội viên có nguồn vốn kịp thời để phục vụ sản xuất và mở rộng diện tích trồng cam.
Thực hiện Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Tuyên Quang về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, ngành NH trên địa bàn, đặc biệt là Agribank đã tích cực vào cuộc hỗ trợ nguồn vốn cho vùng trồng cam.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Agribank Hàm Yên cho biết, từ nhiều năm nay, Agribank Hàm Yên đã nỗ lực hỗ trợ nguồn vốn vay cho người dân trên địa bàn phát triển trồng và chăm sóc cam. Đối với chính sách hỗ trợ cho các trang trại trồng cam thì các trang trại trồng cam đủ điều kiện được công nhận là kinh tế trang trại, ngoài được hưởng các chính sách của nhà nước, của tỉnh theo quy định, còn được hưởng chính sách ưu tiên về khuyến nông, khoa học kỹ thuật và chính sách về tín dụng.
Bên cạnh đó, các nhân viên NH đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, địa phương, các tổ chức hội giúp đỡ các hộ có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn kịp thời.
Tính đến tháng 12/2015, chi nhánh đã cho vay các hộ trồng cam với tổng dư nợ trên 141,6 tỷ đồng; tạo điều kiện cho 30 trang trại trồng và chăm sóc cam vay vốn với số tiền trên 10,2 tỷ đồng. Riêng tại Phòng giao dịch Phù Lưu, tính đến 31/12/2015, cho vay theo Nghị quyết 12 đạt 422 tỷ đồng cho 16 khách hàng. Tổng vốn đầu tư cho cây cam đạt trên 91 tỷ đồng cho 2.043 khách hàng, chiếm 85% tổng dư nợ.
Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới chi nhánh sẽ tiếp tục đầu tư các dự án tín dụng trung, dài hạn, tập trung đầu tư vào các sản phẩm hàng hóa, cây trồng, vật nuôi đặc biệt là cây cam là thế mạnh kinh tế của địa phương.
Năm 2007, huyện Hàm Yên đã xây dựng thành công thương hiệu cam sành Hàm Yên. Năm 2012, sản phẩm cam sành Hàm Yên được bình chọn là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam. Năm 2013, cam sành Hàm Yên được bình chọn trong top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng. Năm 2014 được tôn vinh là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của năm. Mới đây, cam sành Hàm Yên được vinh dự được chứng nhận sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam tại Lễ tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2015”. |