Vì sứ mệnh phát triển tam nông ở quê lúa
Hiệu quả từ cho vay “bốn mốt”…
Hoạt động ở địa phương được mệnh danh là “quê lúa”, hệ thống các NH trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng đặc biệt chú trọng cho vay lĩnh vực tam nông.
Theo NHNN Chi nhánh Thái Bình, trong giai đoạn 2010 đến tháng 6/2015, các TCTD đã nỗ lực triển khai cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nên thời gian qua, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn hàng năm tăng trên 20%. Đặc biệt, kết quả đầu tư vốn tín dụng của Agribank đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp hành TW khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Để chuyển tải nguồn vốn tới vùng nông thôn được hiệu quả, NHNN luôn ưu tiên cho các TCTD thành lập các chi nhánh, điểm giao dịch ở khu vực nông thôn. Đến nay, toàn Ngành đã có 469 chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch hoạt động ở lĩnh vực này trong toàn tỉnh, chiếm 89,1% tổng số điểm hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Dư nợ cho vay theo Nghị định 41 đạt 12.624 tỷ đồng, chiếm 41% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.
Nhà máy nước của Công ty TNHH thương mại Đỗ Gia Bảo được tài trợ vốn của Agribank Đông Hưng |
Nguồn vốn cho vay đã tập trung vào một số chương trình, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn như cho vay chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gần 215 nghìn khách hàng bao gồm cả DN, cá nhân, hộ sản xuất, dư nợ đạt 11.020 tỷ đồng, chiếm 87,3% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn địa bàn.
Về cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP, ngành Ngân hàng tỉnh đã triển khai cho vay vốn lưu động dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa thương phẩm chất lượng cao của Công ty Hưng Cúc, với số tiền cam kết cho vay 30 tỷ đồng, dư nợ đạt 6,1 tỷ đồng.
Nổi bật hiện nay ở Thái Bình là cho vay các dự án nước sạch nông thôn. Đến nay các TCTD trên địa bàn tỉnh đã cam kết cho vay 11 dự án thuộc lĩnh vực này đủ điều kiện, số tiền cam kết 93,4 tỷ đồng, đã giải ngân 34,5 tỷ đồng. Đối với 28 dự án khác, ngành Ngân hàng đang phối hợp với các sở, ngành liên quan đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ vay vốn gửi ngân hàng để thẩm định, xét duyệt cho vay theo quy định.
Đơn cử như công trình nước sạch nằm bên cánh đồng của xã Đông Xuân, ông Đỗ Đức Uyển – Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại Đỗ Gia Bảo – một trong số các DN xây dựng nhà máy nước cho biết, sự hỗ trợ đồng vốn của Agribank Đông Hưng rất kịp thời giúp DN triển khai dự án đúng tiến độ, và DN luôn cam kết sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Nhà máy của Công ty hiện đang cung cấp nước cho khu công nghiệp Gia Lễ, Xuân Quang và hàng nghìn hộ dân hộ gia đình của 6 xã lân cận, hộ xa nhất có khoảng cách tới nhà máy là 10 km.
Tiếp tục đẩy mạnh tín dụng tam nông
Ông Đinh Ngọc Thạch – Giám đốc NHNN Thái Bình cho biết, nhờ nguồn vốn tín dụng NH theo Nghị định 41, nhiều DN, hộ nông dân, trang trại, gia trại có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Xã Thanh Tân, Kiến Xương, Thái Bình đạt chuẩn nông thôn mới |
Vốn tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển các thị trường phục vụ sản xuất nông nghiệp, hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, khu chăn nuôi tập trung, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh khai thác hải sản… phát triển sản xuất công nghiệp, nghề và làng nghề góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình.
Sau khi Nghị định 55/2015/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định 41, ngành Ngân hàng Thái Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo nhận định của NHNN chi nhánh tỉnh Thái Bình, trong những năm tới, nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Vì vậy, ngành Ngân hàng Thái Bình đề nghị NHNN Trung ương chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai các giải pháp thực hiện cho vay nông nghiệp, nông thôn trong từng hệ thống các TCTD; ưu tiên về vốn và lãi suất ưu đãi, dịch vụ ngân hàng hiện đại (ATM, POS…) cho chi nhánh các TCTD trên địa bàn, tạo điều kiện mở rộng cho vay, phát triển dịch vụ NH phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong toàn tỉnh.
Đặc biệt, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện triển khai đồng bộ, hiệu quả việc thực hiện không thu phí chứng thực hợp đồng thế chấp, phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các khoản vay vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ. Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới cũng như tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
Vì thế, NHNN chi nhánh tỉnh Thái Bình kiến nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố tăng cường triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho DN, hộ sản xuất được tiếp cận chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt công tác khuyến nông, tập huấn, hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, phòng chống thiên tai, dịch bệnh… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho các TCTD tăng cường đầu tư vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.