Phủ xanh vùng đất đỏ
Vì sứ mệnh phát triển tam nông ở quê lúa | |
Thảo thơm mùa quýt Lai Vung | |
Tổ vay vốn - Cầu nối những bờ vui | |
Hiệu quả từ tín dụng tam nông |
Có được thành quả đó, sự đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn. Chính nguồn tín dụng ngân hàng đã đóng vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như kinh tế - xã hội địa phương.
Từ diện mạo nông thôn mới hình thành
Sau một thời gian dài mới trở lại Đăk Nông, thấy đất và người nơi đây đã đổi thay đến lạ thường. Cao nguyên Mơ Nông bao trùm toàn tỉnh Đăk Nông, với bạt ngàn cà phê, hồ tiêu xanh mượt. Trên chuyến xe Buôn Ma Thuột – Gia Nghĩa ngược Quốc lộ 14 lên Đăk Nông, chúng tôi bắt gặp khuôn mặt rạng ngời của các bác “phú nông”, miệng thao thao những câu chuyện không đầu không đuôi về mùa vụ, cây giống, giá cả, cái được cái mất…
Những câu chuyện ấy thi thoảng lại tạm dừng khi một trong những lão nông chia tay chuyến xe để vào vườn cà phê, hồ tiêu ven đường – cơ ngơi của họ...
Giờ đang vào vụ thu hoạch cà phê, nên từ sáng tinh mơ, trên các con đường vào rẫy đã rộn rã tiếng trò chuyện của những chàng trai, cô gái đang tuổi xuân thì. Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi, song tại Đăk Nông lại được mùa cà phê. Niềm vui ấy đã thể hiện khá rõ nét trên từng khuôn mặt sạm nắng và gió của người nông dân miền đất đỏ.
Vốn của Agribank giúp hàng ngàn nông hộ làm giàu trên Cao nguyên Mơ Nông |
Dọc theo con lộ 14 từ Cư Jút đến Gia Nghĩa, những vườn rẫy hồ tiêu xanh rì trĩu quả, rồi cà phê trái chín đỏ cành. Một vùng đất xưa kia khô cằn với đồi dốc trọc trọi, bởi những đợt phá rừng của lâm tặc, nay đã bạt ngàn màu xanh cây lá hun hút chân trời...
Trước đây, đường vào các thôn, xóm, đất đỏ bay ngập đầu. Song giờ đã không còn chuyện đó, nhờ những con đường làng thẳng tắp được bê tông hóa với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Lão nông Nguyễn Thành Trung, ở thôn 12, xã Đăk Lao, huyện Đăk Mil phấn khởi: “Giờ đây đường sá đi lại rất thuận lợi, giúp bà con nông dân vận chuyển vật tư nông nghiệp ra vào rẫy thuận tiện hơn…”.
Và bây giờ, chương trình đầu tư cho nông thôn mới đã về đến tận các buôn làng. Cùng với đó, mấy vụ gần đây, bà con nông dân được mùa, giá cả tương đối ổn định; đặc biệt giá hồ tiêu luôn ở mức cao trên dưới 200 ngàn đồng/kg nên đã mạnh tay đầu tư mở rộng diện tích canh tác. Cây trồng mang lại thu nhập cao nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn đến vay Agribank để mở rộng diện tích. Vì thế, nhiều đồi núi trọc được phủ kín bởi cà phê và hồ tiêu...
Ông Trung cho biết thêm, gia đình ông đã vay vốn từ Agribank để đầu tư tái canh hơn 3ha cà phê. Đến nay, sau hơn một năm chăm sóc, vườn cây phát triển khá tốt, hi vọng sẽ cho những vụ cà phê bội thu trong thời gian tới.
Đến phá thế độc canh
Những ngày giáp Tết, trời Tây Nguyên xanh ngắt vời vợi. Những con đường đất đỏ thẳng tắp, trải dài đến tận vườn rẫy... Tiếp tục mục sở thị sự “đổi đời” của những triệu phú “chân đất”, chúng tôi cùng cán bộ tín dụng Agribank Đăk Nông đến các địa phương vùng biên.
Ở huyện Đức Minh trước đây, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn do trồng trọt phụ thuộc vào thiên nhiên là chính, tỷ lệ hộ nghèo cao, tình hình an ninh chính trị bất ổn... Song gần đây, bộ mặt nông thôn của vùng đất biên giới này đã thay đổi. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển các loài cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu... đã có nhiều gia đình đổi đời bằng nguồn vốn của Agribank. Nhiều hộ từ đói nghèo giờ đã đủ ăn, rồi có kinh tế khá giả.
Với quy mô phòng giao dịch, song Agribank Đức Minh đã có dư nợ tín dụng đến trên 350 tỷ đồng, gần 100% dư nợ là cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Điều đó cho thấy, sức hấp thụ vốn tại khu vực nông thôn này rất mạnh.
Rẫy của triệu phú “chân đất” Trần Hồng Kính, thôn Phương Trạch, xã Đăk Săk, huyện Đăk Mil là mô hình nông nghiệp tổng hợp, được trồng nhiều loại cây như hồ tiêu, cà phê, bơ trái vụ. Theo ước tính của anh Kính, với gần 10ha diện tích, mỗi năm gia đình anh thu trên tỷ đồng. Doanh thu này là mơ ước của hàng triệu hộ dân làm nông nghiệp ở các vùng miền khác.
Buổi trưa, trời nắng gắt hơn, đứng giữa rẫy hồ tiêu xanh ngắt, trĩu quả, anh Kính nói: giờ vẫn ngỡ mình đang nằm mơ khi đang sở hữu cơ ngơi như ngày hôm nay. Lập gia đình, rồi ra ở riêng, với chút vốn ít ỏi lên mảnh đất biên cương lập nghiệp, anh Kính đã mạnh dạn gõ cửa Agribank, để có vốn để đầu tư sản xuất. Từ thời điểm chỉ dám vay vài triệu đồng, đến nay anh đã mạnh dạn vay gần 1 tỷ đồng mở rộng diện tích, cũng như mua vật tư phân bón, chăm sóc cây hồ tiêu, cà phê...
Để phá thế độc canh và tránh rủi ro, chính quyền địa phương chủ trương phát triển ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cơ cấu cây trồng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo mô hình sản xuất chất lượng cao, giúp nông dân đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập, ổn định đời sống.
Với sự linh hoạt trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế của chính quyền tỉnh Đăk Nông, Agribank Đăk Nông đã cung ứng vốn kịp thời, khá đầy đủ cho người dân và DN.
Giám đốc Agirbank Đăk Nông, TS. Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu vốn cho việc phát triển sản xuất kinh doanh của nông hộ, thời gian qua chi nhánh, luôn bám sát tình hình thực tế tại địa phương và quy định của Agribank. Đây là yếu tố quyết định tạo nên sự thành công trong hoạt động kinh doanh.
Hiện nay, hệ thống mạng lưới chi nhánh loại III, Phòng giao dịch trực thuộc Agribank Đăk Nông được tổ chức đến tất cả các huyện và một số địa bàn có đông dân cư khác, có thị phần ổn định, chủ yếu ở vùng nông thôn; hệ thống thiết bị, công nghệ phục vụ cho hoạt động của cơ quan được đầu tư đầy đủ và ngày càng hiện đại, đảm bảo cho hoạt động thông suốt và ổn định.
Theo TS. Tuấn, Agribank Đăk Nông luôn xác định, nông nghiệp, nông thôn là đối tượng chủ yếu và là lĩnh vực phục vụ chính, do đó, chi nhánh luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Nhà nước và địa phương để đẩy mạnh cho vay trên lĩnh vực này. Nhờ đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của chi nhánh đã tăng nhanh qua các năm. Đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên 4.254 tỷ đồng, chiếm 90,40% tổng dư nợ.
So với trước, Đăk Nông giờ đây phát triển nhiều, như cởi bỏ được một phần chiếc áo bụi trần và hoang dã đã khoác trên mình trong suốt một thời gian dài... Sự đổi thay đó có đóng góp không hề nhỏ của Agribank Đăk Nông. Đáng kể nhất là vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ chỗ toàn địa phương này chỉ có vài chục tỷ đồng dư nợ cho vay phát triển nông, lâm nghiệp trong những năm đầu thành lập, đến nay, con số này đã là trên 4.254 tỷ đồng, phát huy hiệu quả tích cực, giúp hàng ngàn hộ dân trên Cao nguyên Mơ Nông vươn lên làm giàu.